Đại Kỷ Nguyên

Cách nhận biết thịt lợn tươi ngon, đảm bảo sức khoẻ gia đình

Để chọn được thịt lợn tươi, đạt tiêu chuẩn, đảm bảo sức khỏe gia đình, các bà nội trợ cần nắm được một số bí quyết.

Thịt lợn là một loại thực phẩm rất quen thuộc đối với nhiều gia đình Việt. Tuy nhiên hiện nay, vì chạy theo lợi nhuận, rất nhiều thịt lợn kém chất lượng được bày bán.

VnExpress cho biết, chọn thịt lợn sạch phải xem từ chuỗi cung ứng, còn thịt tươi ngon dựa vào 4 yếu tố: Màu sắc, mùi vị, độ đàn hồi, kết cấu.

Thịt lợn sạch phải đảm bảo 3 tiêu chuẩn về mặt lý học, hóa học, sinh học. Về mặt lý học, trong thịt không được có lẫn những vật nào ngoài thành phần của thịt, ví dụ như có thể là mẩu kim gãy còn giắt vào trong thịt do con vật bị tiêm chích khi còn sống. Về mặt hóa học, thịt không được có các chất tồn dư của thuốc, hoặc những hóa chất mà con vật ăn vào. Về mặt sinh học, thịt sạch không có ký sinh trùng và vi trùng.

Giáo sư Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, để nhận biết thịt lợn có thật sự sạch hay không thì phải xem xét từ chuỗi cung ứng thịt.

“Nếu chuỗi cung ứng được tổ chức chặt chẽ tất cả các khâu thì sẽ có thịt lợn sạch, còn nếu chuỗi cung ứng tạp nham, ví dụ lấy thịt lợn từ con lợn sắp chết, sau đó bán… thì không phân biệt được”, GS Thịnh nói. “Vì vậy, khi nhìn thịt lợn tại các quầy hàng, người mua chỉ có thể nhận định nó có tươi hay không, còn bản chất sạch hay không rất khó để biết”.

Thịt lợn tươi ngon màu hồng tươi hoặc đỏ nhạt, có mùi vịt thịt, lớp bì dày, phần nạc và mỡ dính chặt (ảnh: Sohu).

Theo Phunutoday, có nhiều cách để nhận biết thịt lợn tươi – thịt lợn ươn đơn giản, chính xác nhất. Cùng tham khảo các cách dưới đây:

Thịt tươi: Mặt ngoài có lớp màng khô, bề mặt hơi se lại. Ở mặt cắt của thịt có màu hồng sáng, bì mềm mại, thớ thịt săn, độ đàn hồi tốt (lấy ngón tay ấn vào thịt khi buông ra không để lại vết móng tay). Mỡ có màu sáng, độ chắc, có mùi thơm đặc trưng. Mặt khớp xương láng và trong, dịch hoạt trong. Tuỷ bám chặt vào thành ống tuỷ, đàn hồi.

– Thịt ôi: Mặt ngoài miếng thịt bắt đầu nhớt, hoặc nhớt nhiều (tuỳ mức độ ôi), mặt cắt hơi ướt, độ đàn hồi kém (ấn ngón tay vào thịt khi buông ra còn để lại vết lõm tay). Mỡ tối màu, độ chắc giảm, có mùi ôi. Mặt khớp xương có nhiều nhớt, dịch hoạt đục. Tuỷ dễ tróc ra khỏi ống, màu sắc đã tối hoặc nâu.

– Thịt lợn già hoặc lợn nái: Thớ thịt nhão có màu đỏ sẫm, da dầy.

– Thịt lợn bệnh: Thớ thịt nhão, mỡ vàng hoà trong thớ thịt có thể có hạt trắng đục. Trong gan bầu dục có những chấm nhỏ. Bì lợn có thể có những mảng xuất huyết tròn hoặc bầu dục. Có thể bì không còn nguyên vẹn, bị khoét từng đám (do cắt bỏ ung nhọt hoặc màng xuất huyết).

– Đường cắt mặt thịt khô ráo, thịt hơi rít, cơ hơi se lại; lớp bì mềm, mỡ màu trắng trong đến hơi ngà, khi ngửi không có mùi gắt dầu.

– Nội tạng của lợn khỏe mạnh và tươi có màu sắc tự nhiên, nhìn trên bề mặt có độ ánh, bóng sáng.

– Thịt lợn ngon khi mua về, đem luộc có nước trong, váng mỡ to, dậy mùi thơm của thịt và đặc biệt không có mùi lạ.

Miếng thịt nhiễm ấu trùng sán lợn (ảnh: Hanoimoi).

Trên Pháp Luật TP. HCM, Cục An toàn thực phẩm cũng chỉ ra một số dấu hiệu nhận biết thịt heo bị bệnh như:

Heo bị thương hàn: Bề mặt da có những nốt bầm hoặc lấm tấm xuất huyết, thịt nhão, tai lợn bị tím.

Thịt lợn bị tả: Nốt xuất huyết nằm dưới da hoặc trên vành tai, lấm tấm như nốt muỗi đốt.

Thịt lợn bị tụ huyết trùng: Thịt có những mảng bầm, tụ máu.

Thịt lợn bị viêm gan: Thịt có mầu vàng.

Thịt lợn đóng dấu: Bề mặt da có những nốt tròn đỏ, tía hoặc son, có khi màu tím bầm, kích thước khác nhau, như hình đóng dấu.

Thịt lợn nhiễm giun sán thường có các kén sán nằm xen giữa các thớ thịt. Khi mua, bạn nên để ý những vùng có gân mỡ như vai, bắp, đầu, nếu thấy những hạt nhỏ trắng như hạt gạo xen giữa các thớ thịt, bắp thịt thì không nên mua. Khi thái thịt nên thái theo thớ, phát hiện kén sán thì phải bỏ ngay, đừng nên tiếc vì có thể lây bệnh cho cả gia đình, rất nguy hiểm.

Còn nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1-2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc (đậu phộng), di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết.

Khi thịt bị ôi thiu, một số người bán ướp hàn the, kali nitrat,… để trông thịt tươi. Những miếng thịt bị ướp này có màu đỏ tươi nhưng không còn độ dẻo dính tự nhiên, thịt bị cứng chứ không còn đàn hồi, khi cắt thì mềm nhũn, chảy dịch, màu hơi thâm. Khi rửa, thịt ngâm chất bảo quản sẽ chuyển sang màu nhợt và có mùi tanh khó chịu, mỡ vàng chứ không trắng ngà như thịt tươi. Khi nấu, nước thịt ôi có màu đục, mùi hôi, mỡ nổi thành những hình tròn nhỏ tách rời nhau.

Video xem thêm: Kinh hãi lợn lở mồm long móng được ‘phù phép’ thành thịt trâu gác bếp

Exit mobile version