Thời gian gần đây, rất nhiều trường hợp khi bị ong đốt, nhưng chủ quan, không xử lý kịp thời, đúng cách dẫn đến các biến chứng hô hấp, suy đa tạng… Các chuyên gia khuyến cáo, mọi người cần biết cách sơ cứu đúng cách khi bị ong đốt để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Sáng 16/8, bệnh viện Nhi đồng Tp.HCM, đã tiếp nhận và điều trị 2 anh em ruột T.K. (7 tuổi) và T.V (5 tuổi) trong một gia đình 5 người ở Bạc Liêu bị ong vò vẽ đốt, theo Báo Phụ Nữ.
Trước đó 1 ngày, trong lúc cha mẹ đi làm ăn xa, ở nhà 5 bà cháu dọn dẹp và sửa chữa nhà, bất ngờ tổ ong vò vẽ bay ra đốt khiến người bà và bé 13 tháng tuổi qua đời, 2 anh em K. và V. cùng người bà còn lại nguy kịch.
Các bác sĩ cho biết, 2 bé bị ong vò vẽ đốt từ 52-64 nốt dẫn tới rối loạn tri giác, suy hô hấp, suy gan, suy thận, nước tiểu có màu đỏ.
Một trường hợp khác, bệnh nhi B.X.T. (11 tuổi) nhập viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng nguy kịch, niêm mạc nhợt, khó thở, nước tiểu đỏ, suy đa tạng, men gan tăng, rối loạn đông máu sau khi bị bầy ong vò vẽ đốt khoảng hơn 100 nốt.
Cách sơ cứu đúng cách khi bị ong đốt
– Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có ong.
– Đặt nạn nhân nằm yên một chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền trong cơ thể. Khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ngòi chích của ong ra.
– Tuyệt đối không dùng tay nặn để lấy ngòi vì túi độc có thể sẽ vỡ, lan và thấm sâu hơn vào cơ thể.
– Rửa sạch những chỗ có vết đốt bằng xà phòng và nước ấm hoặc dung dịch sát trùng. Sau đó, bạn đắp khăn lạnh hay túi chườm đá lên vùng bị đốt để làm giảm đau và giảm sưng.
– Cho nạn nhân uống nước để thải bớt độc tố.
– Sau khi sơ cứu, cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, đặc biệt khi có các biểu hiện bệnh nặng hơn.
Biện pháp phòng tránh ong đốt
– Tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết.
– Không kích động hoặc trêu ong…
– Không để hoang nhà cửa, các tầng nhà hoặc phòng bởi ong dễ đến làm tổ.
– Phát hiện sớm tổ ong và phá bỏ ngay khi tổ ong mới xây.
– Khi đi vào rừng, tránh mặc quần áo sáng màu, không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm… có mùi thơm và ngọt. Không đi chân đất, đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín.
– Khi ong bay đến, không chạy mà nên đứng hoặc ngồi im, tránh cử động.
– Nếu bị ong tấn công, có thể dùng bất cứ loại bình xịt nào có sẵn có mùi khó chịu hoặc dùng khói để xua đuổi.
– Cách loại bỏ tổ ong: Dùng khói, bình xịt diệt côn trùng để xua ong đi hết. Sau đó, dùng màn hoặc lưới mắt nhỏ để bọc tổ ong và gỡ đi để tránh trường hợp ong còn trong tổ. Bạn nên mặc quần áo dày hoặc áo mưa (loại nhựa dày), đầu đội mũ kín, đi găng…
Lan Phương