Hen suyễn hay hen phế quản là bệnh lý thường gặp ở trẻ từ 2 đến 10 tuổi. Nếu không được chữa trị sớm có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Ở trẻ nhỏ, có thể rất khó cho cha mẹ, thậm chí cả bác sĩ để nhận ra các triệu chứng của hen suyễn. Các ống phế quản ở bé sơ sinh và ở lứa tuổi mầm non khá nhỏ và hẹp, nên khi bị cảm lạnh và mắc các bệnh đường hô hấp có thể khiến các ống phế quản này bị kích thích nhiều hơn. Làm thế nào để biết được bé mắc bệnh hen và có thể tự điều trị tại nhà trong các trường hợp thông thường. Dưới đây là những kiến thức cơ bản về bệnh và cách điều trị hen suyễn hiệu quả của Đông y.
1. Nguyên nhân gây bệnh:
Các chuyên gia y tế tin rằng các yếu tố di truyền, môi trường và hệ miễn dịch kết hợp với ống phế quản bị viêm có thể là nguyên nhân gây ra hen suyễn.
Di truyền: Hen suyễn có thể được di truyền trong gia đình. Nếu bố mẹ bị hen suyễn thì con cái cũng có khả năng bị cao hơn bình thường.
Hệ thống miễn dịch: Ở một số bé, các tế bào hệ miễn dịch giải phóng các hóa chất để chống lại dị ứng với môi trường. Các nghiên cứu cho thấy tiếp xúc với chất gây dị ứng như bọ, ve, gián và động vật có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của hen suyễn. Bệnh thường gặp ở các bé bị dị ứng. Mặc dù không phải tất cả các bé bị hen suyễn đều bị dị ứng.
Môi trường: Các yếu tố môi trường bệnh có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của hen. Một số chuyên gia tin rằng có nhiều trường hợp hen suyễn vì ô nhiễm môi trường. Khi sống trong nơi nhiều khói bụi, trẻ nhỏ sẽ dễ bị hen suyễn và dị ứng hơn bình thường.
2. Dấu hiệu nhận biết
Các triệu chứng hen suyễn ở trẻ em có thể là từ ho ho dai dẳng kéo dài vài ngày hoặc vài tuần đến khó thở. Các triệu chứng thông thường bao gồm:
– Ho, đặc biệt là vào ban đêm.
– Thở khò khè hoặc thở thành tiếng, đặc biệt khi thở ra.
– Khó thở hoặc thở nhanh.
– Thường xuyên cảm thấy lạnh ở ngực.
Bé có thể có một hoặc một vài triệu chứng trong số các dấu hiệu trên. Mẹ có thể cho rằng bé chỉ bị cảm lạnh hoặc viêm phế quản. Tuy nhiên nếu các triệu chứng tái diễn thì có thể bé đã bị hen suyễn. Ngoài ra các triệu chứng có thể tồi tệ hơn khi bé gặp các tác nhân gây hen như các chất gây kích ứng trong không khí, phấn hoa, lông động vật, côn trùng và bụi.
Đông y phân loại hen suyễn (hen phế quản) thành ba loại: Bệnh hen ở thể phong nhiệt, bệnh hen phế quản thể phong đàm và bệnh hen phế quản thể phong hàn. Sau đây là một số bài thuốc Đông y điều trị hen suyễn rất hiệu quả. Trước tiên mẹ cần xác định con bị hen ở thể nào để sử dụng bài thuốc cho phù hợp
3. Các bài thuốc điều trị hen suyễn
3.1 Điều trị bệnh hen suyễn thể phong nhiệt
Triệu chứng thường gặp của bệnh hen phế quản thể phong nhiệt là: ho liên tục, khó thở, tức ngực, ra mồ hôi, miệng đắng, rêu lưỡi vàng dày, thở khò khè, đờm vàng dính đặc khó khạc.
- Bài thuốc điều trị từ lá hẹ, lá dâu tằm tươi và hoa đu đủ đực
Nguyên liệu: Lá hẹ 100g, hoa đu đủ đực 50g, lá dâu tằm tươi 30g. Giã nát lá dâu tằm và hoa đu đủ đực và hòa với 300ml nước, rồi lọc lấy nước mang đun sôi. Tiếp đó cho hẹ vào nước đang nấu, nêm thêm gia vị vừa miệng. Ăn liên tục trong ba ngày, sau đó cách một ngày ăn một lần, chia nhỏ thành 2 – 3 lần ăn trong hết ngày.
- Bài thuốc điều trị từ lá dâu tằm, hạt tía tô và lá khế
Nguyên liệu: 300g lá dâu tằm, 40g hạt tía tô, 100g lá khế. Mang rửa sạch tất cả, sau đó sấy khô và tán thành bột. Ngày dùng 1 lần, lấy khoảng 50g hòa với 100ml nước sôi, uống mỗi buổi sáng 1 lượng vừa đủ.
3.2 Điều trị bệnh hen suyễn thể phong hàn
Hen suyễn thể phong hàn làm trẻ cảm thấy khó thở, tức ngực, ho có đờm màu trắng, đau đầu, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, nước tiểu trong, cơn hen khởi phát về đêm hoặc khi trời trở lạnh.
- Bài thuốc từ nước đinh hương, mật ong
Nấu 5 – 6 nụ đinh hương trong 100ml nước sôi, sau đó cho 50ml mật ong vào khuấy đều. Nước này mỗi ngày uống 2 – 3 lần.
- Bài thuốc từ hoa đu đủ đực, lá hẹ, gừng tươi
Người bị hen suyễn thể phong hàn cũng có thể dùng hai nguyên liệu rau hẹ hoa đu đủ đực, thay thế lá dâu tằm bằng 10 – 15g gừng tươi. Đầu tiên, giã nát hoa đu đủ cùng gừng tươi, thêm vào 300ml nước rồi lọc lấy nước. Cuối cùng cho lá hẹ vào đảo đều. Chia ra 2 – 3 lần ăn trong ngày.
3.3 Điều trị hen suyễn thể phong đàm
Trẻ bị bệnh ho ra nhiều đàm nhớt, tức ngực, khó thở, ho khò khè, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi dày, miệng nhạt… là các triệu chứng dễ gặp nhất của hen suyễn thể phong đàm
- Bài thuốc điều trị từ nghệ ngâm trứng gà
Bạn cần 50g nghệ vàng cùng trứng gà một quả thêm chút muối ăn. Rửa sạch, sau đó giã nhuyễn nghệ vàng, cho thêm 100ml nước vào khuấy đều rồi lọc lấy nước, cho thêm một ít muối vào hòa cùng. Sau đó khoan hai lỗ nhỏ ở hai đầu quả trứng gà. Bạn ngâm trứng gà vào trong nước nghệ ba ngày. Cách 3 ngày cho người bệnh ăn một quả, ăn liên tục cho đến hết 10 quả.
- Bài thuốc điều trị bằng nước chanh gừng
Chanh một quả, gừng tươi 10g, thêm 1/2 muỗng cà phê muối ăn. Đem nướng chanh trên lửa than cho đến khi vỏ chanh có màu vàng đều. Sau đó ép lấy nước chanh, cho thêm gừng, chia 2 – 3 lần uống trong 1 ngày.
- Bài thuốc điều trị từ nước mật ong, quế
Dùng 30ml mật ong hòa cùng 150ml sữa nóng, thêm 2 – 3g bột quế vào khuấy đều. Cho người bệnh uống hỗn hợp này 1 – 2 lần trong ngày.
Với các bé bị mắc hen suyễn từ sơ sinh, các mẹ cũng hoàn toàn có thể áp dụng các công thức trên, chú ý chọn công thức phù hợp với cơ địa của trẻ, tránh dị ứng.
Kiên Định