Đại Kỷ Nguyên

Căn bệnh lạ khiến bé gái 3 tuổi ở Phú Thọ nổi ban đỏ toàn thân, da bong tróc

Bệnh nhi T.N.U.N. (3 tuổi, Phú Thọ) nhập viện Đa khoa Hùng Vương trong tình trạng mụn nước, ban toàn thân phỏng rộp, nổi hạch vùng mang tai…

VTC đưa tin, 4 ngày trước, bé N. có dấu hiệu ho, sốt, chảy nước mũi và nổi ban toàn thân. Gia đình tưởng bị cúm thông thường nên đã mua thuốc về điều trị tại nhà kết hợp đắp thuốc lá vào vùng nổi hạch.

Tuy nhiên, càng ngày ban đỏ, bong da, chảy dịch khắp mắt, môi, nách, hậu môn, ban toàn thân phỏng rộp, nổi hạch vùng mang tai… Vùng môi của bệnh nhi phù nề, ăn uống kém, liên tục gãi toàn thân, quấy khóc.

Kết quả thăm khám cho thấy, bé N. bị hội chứng bong vảy da do tụ cầu (hội chứng 4S) (Stahylococcal scalded skin syndrome) – bệnh nhiễm trùng da cấp tính gây nên do ngoại độc tố của tụ cầu.

Hiện tại, sức khỏe của bé N. đã ổn định, các vùng da tổn thương đã liền và đang khô, bệnh nhi có thể xuất viện trong một vài ngày tới.

Hội chứng bong vảy da do tụ cầu nguy hiểm thế nào?

Bệnh do tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) nhóm hai gây ra, bắt đầu từ một nhiễm trùng ở quanh hốc mắt, mũi, miệng.

Triệu chứng lâm sàng chủ yếu là đỏ da, phỏng nước, bong vẩy da lan toả. Bệnh hay gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt nặng đối với trẻ sơ sinh. Với một số biểu hiện ban đầu như sốt, mệt mỏi, nổi ban đỏ toàn thân nên cha mẹ rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác.

Sau 24-48 giờ, vùng da đỏ nhanh chóng lan rộng ra toàn thân, phù nề, đau. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị mất nước, rối loạn điện giải.

Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, trong vòng 5-7 ngày sau các thương tổn khô lại, bong vẩy da và khỏi bệnh hoàn toàn.

Từ trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo, khi có trẻ bị bệnh cần cách ly và không cho trẻ khỏe mạnh tiếp xúc với bệnh nhi mang bệnh.

Ngoài ra, cần điều trị tích cực các bệnh viêm da, viêm tai mũi họng… cho trẻ. Đặc biệt không được tự ý đắp hoặc bôi bất cứ loại thuốc nam hay lá cây nào lên da của trẻ, việc làm đó sẽ vô tình làm tổn thương nghiêm trọng và dẫn đến nhiễm trùng nguy hiểm tính mạng của trẻ.

Nếu mẹ bị áp xe vú do tụ cầu, không nên cho con bú, cho đến khi điều trị khỏi hẳn áp xe. Người nuôi dưỡng trẻ, nếu bị viêm da, viêm họng… thì cần điều trị khỏi hẳn mới tiếp tục chăm sóc trẻ. Trong nhà trẻ, phòng nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, khi có trẻ bị bệnh cần cách ly và không cho trẻ khỏe mạnh tiếp xúc với bệnh nhi.

Khi trẻ có các biểu hiện như sốt, nổi ban, mụn nước toàn thân, đặc biệt vùng hốc tự nhiên như mắt, môi, hậu môn cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị.

(Tổng hợp)

Exit mobile version