Thỉnh thoảng chúng ta xuất hiện vết bầm tím – có thể bạn bị va chạm khi bước qua bệ cửa vào giữa đêm hoặc vấp phải đồ vật khi đi dạo buổi sáng. Hầu hết các trường hợp không có gì phải lo lắng và tự chữa lành. Tuy nhiên cũng có thể là dấu hiệu của một cái gì đó nghiêm trọng hơn.

1. Tại sao xuất hiện vết bầm tím?

Một vết bầm xuất hiện khi có chấn thương làm cho các mạch máu nhỏ dưới da của bạn bị vỡ và thoát máu khỏi lòng mạch. Lúc này, da không bị tổn thương hở, vì vậy máu không có nơi nào để đi. Máu tập hợp hình thành cục máu đông và thay đổi màu da phía trên vết thương. Những cú đánh mạnh hơn có xu hướng gây ra những vết bầm lớn hơn. Chúng có thể biểu hiện từ nhẹ đến nặng.

2. Có các loại vết bầm tím nào?

  • Một vết bầm tím phẳng là khi máu rò rỉ vào các lớp trên cùng của da bạn được gọi là xuất huyết dưới da.
  • Một con mắt đen, hay còn gọi là shiner, là một tình trạng tụ máu vùng ổ mắt do bị đánh.
  • Một khối máu tụ dưới da xuất hiện khi máu đóng cục tạo thành một khối dưới da của bạn. Khu vực này thường bị sưng, nổi lên và đau. Một quả ‘trứng ngỗng’ trên đầu của bạn sau khi va chạm là một ví dụ. Một khối máu tụ không giống như xuất huyết – đó là tình trạng chảy máu nặng trong hoặc ngoài cơ thể bạn.

3. Biến đổi màu sắc của vết bầm

Ảnh: Health.com.kh

Trong quá trình có thể chữa lành vết bầm tím, một chất giàu chất sắt trong máu của bạn – được gọi là hemoglobin – phân hủy thành các hợp chất khác. Chính quá trình này đã làm cho vết bầm của bạn thay đổi màu sắc:

  • Vết bầm thường đỏ ngay sau khi bị thương.
  • Trong vòng 1 – 2 ngày, nó chuyển sang màu tía hoặc đen và xanh.
  • Trong 5 – 10 ngày, nó có thể có màu xanh hoặc vàng.
  • Trong 10 – 14 ngày, nó có màu nâu vàng hoặc nâu nhạt.
  • Nó sẽ biến mất hoàn toàn trong khoảng 2 tuần.

4. Cách đối phó với các vết bầm do sang thương

Độ lạnh có thể giúp giảm sưng và thu nhỏ kích thước vết màu đen và xanh vết bầm. Nó cũng làm giảm lưu lượng máu đến khu vực này, do đó ít bị rò rỉ vào các mô của bạn. Ngay sau khi bạn bị bầm tím, đổ đầy đá vào túi nhựa, bọc nó trong một chiếc khăn, và nhẹ nhàng đặt nó vào vùng bị thương. Để nó ở đó 15 – 20 phút, tháo nó ra khoảng 30 phút hoặc lâu hơn, sau đó đặt lại cái khác.

Nếu bị thương ở chân tay thì để thư giãn và gác chân, tay cao hơn mức của trái tim (nếu có thể). Ví dụ, nếu bạn đập ống chân vào đâu đó, giữ cho tư thế chân của bạn thoải mái, không bị chịu áp lực nào. Điều này sẽ giữ cho máu không bị chảy thêm ra, giúp giảm sưng và giữ cho vết bầm của bạn không bị to hơn. Sau 2 ngày, mới sử dụng một miếng đệm nóng hoặc vải ấm để chườm lên khu vực này. Uống thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen (nếu bạn cần), chú ý không tự ý dùng aspirin để giảm đau, hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

5. Khi nào cần đến bác sĩ?

Một vết bầm tím có thể cần sự chăm sóc y tế nếu:

  • Bạn nghĩ rằng bong gân hoặc gãy xương có thể đã gây ra vết bầm này.
  • Vết bầm tiếp tục lớn hơn sau ngày đầu tiên.
  • Nó làm cho cánh tay hoặc chân của bạn bị sưng lên và giảm cử động.
  • Nó kéo dài hơn một vài tuần hoặc xuất hiện trở lại mà không có lý do.
  • Nó ở xung quanh mắt bạn và bạn có một thời gian khó khăn để nhìn hoặc nhìn theo các hướng khác nhau.
  • Vết bầm xuất hiện do bị đánh vào đầu, thân hoặc bụng của bạn, vì bạn phải cẩn thận với xuất huyết bên trong rất nguy hiểm.

6. Ai dễ bị bầm tím?

Người già có xu hướng dễ bị bầm tím hơn. (Ảnh: VillaSombrero.com)

Tuổi, giới tính và gen của bạn đều có thể đóng một vai trò. Khi bạn già đi, làn da trở nên mỏng hơn và mất đi nhiều lớp mỡ. Không còn lớp đệm để bảo vệ các mạch máu, vì vậy chúng có thể dễ dàng vỡ hơn khi va chạm nhẹ. Phụ nữ có xu hướng dễ bị bầm tím hơn nam giới – đặc biệt là chấn thương nhẹ ở cánh tay, đùi và mông. Bầm tím cũng có thể di truyền trong gia đình.

7. Vết bầm tím có thể báo hiệu điều gì?

Một số trường hợp có thể dẫn đến các đốm trông giống như vết bầm tím. Những cái lớn được gọi là ban xuất huyết. Những cái nhỏ màu đỏ hoặc tím được gọi là đốm xuất huyết. Các vấn đề có thể dẫn đến các vết xuất huyết dưới da gồm:

  • Rối loạn chảy máu như bệnh Hemophilia (bệnh máu khó đông) hoặc bệnh von Willebrand (bệnh rối loạn đông cầm máu do thiếu hụt hoặc giảm hoạt tính của yếu tố von Willebrand trong máu)
  • Bệnh gan, như xơ gan
  • Giảm tiểu cầu (khi bạn không có đủ tiểu cầu trong máu)
  • Ung thư như bệnh bạch cầu, bệnh Hodgkin hoặc đa u tủy

Do chế độ ăn

Axit folic (folate) và vitamin C, K và B12 giúp đông máu. Nếu bạn không có đủ những thứ này, bạn có thể dễ bị bầm tím hơn. Hãy thử ăn nhiều trái cây có múi nếu bạn thiếu vitamin C. Thịt bò và ngũ cốc ăn sáng tăng cường giàu B12. Rau lá xanh như rau bina là nguồn cung cấp vitamin K và folate dồi dào.

Do thuốc đang dùng

Chất làm loãng máu, aspirin, corticosteroid và hóa trị liệu chống lại ung thư có thể gây ra các vết đen và xanh. Mặc dù vậy, đừng ngừng dùng thuốc của bạn. Nói chuyện với bác sĩ để có thể thay đổi thuốc hoặc liều lượng.

8. Làm cách nào để ngăn chặn xuất hiện vết bầm?

Bạn không thể tránh tất cả các vết bầm tím, nhưng bạn có thể giảm khả năng bị tổn thương:

  • Cắm đèn ngủ để bạn không bị loạng choạng trong bóng tối.
  • Giữ lối được thông thoáng, cất gọn đồ đạc mà bạn có thể va vào.
  • Mang đồ bảo hộ như mũ bảo hiểm hoặc ống bảo vệ chân, tay nếu bạn chơi thể thao.

An Chi
Theo WebMD

Xem thêm: