Đại Kỷ Nguyên

Cảnh báo nguy cơ hoại tử chân vì bệnh nhân tự ý mua thuốc và điều trị

Nghiên cứu cho thấy, phần lớn những người sử dụng thuốc giảm đau không những sử dụng sai phương pháp mà còn không để ý đến những tác dụng phụ của chúng. Điều này dẫn đến hàng loạt nguy cơ khác nhau, bao gồm cả việc hoại tử chân.

Bà Nguyễn Thị M. trú tại Thái Bình bị viêm đa khớp dạng thấp được bác sĩ kê đơn thuốc về nhà điều trị nhưng bệnh mãi không khỏi nên bà bỏ thuốc bác sĩ kê mà quay ra điều trị bằng thuốc của thầy lang.

Bà M. kể đau đầu gối đến mức đi lại cũng khó, bà được người quen giới thiệu lấy thuốc của một ông lang ở Bắc Giang. Lọ thuốc chỉ có 600 nghìn đồng, mua về uống hết 1 lọ bà đã thấy đỡ nên đặt mua thêm vài lọ về uống.

Kết quả, 4 tháng sau, chân bà sưng to hơn, mặt đỏ lên như tích nước. Bà M. không biết là bị bệnh gì nên lo lắng đi khám. Tại bệnh viện, bà được bác sĩ chẩn đoán hội chứng Cushing do lạm dụng thuốc khớp.

Tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh TP.HCM các bác sĩ đã cấp cứu cho một trường hợp chân bị hoại tử vì sử dụng thuốc trị viêm khớp “đặc biệt”.

Bệnh nhân là bà Vũ Thị H. 42 tuổi, trú tại Long An. Bệnh nhân bị hoại tử chân trái sau viêm mô tế bào trên nền hội chứng Cushing do thuốc viêm khớp dạng thấp.

Theo bệnh nhân, sau khi đi khám chuyên khoa Nhiễm với chẩn đoán viêm mô tế bào/viêm khớp dạng thấp, bệnh nhân về nhà tìm hiểu trên báo mạng và tự ý thay đổi liều corticoid và kháng sinh bác sĩ đã kê, kết hợp đắp thêm nhiều loại lá quý hái trên rừng. Kết quả là chân bị hoại tử nặng, bốc mùi hôi thối.

Ảnh minh họa

Trường hợp của chị Hoàng Thu H. 40 tuổi, trú tại Hưng Hà, Thái Bình cũng tương tự. Chị Hằng bị viêm đa khớp nên được bác sĩ kê đơn thuốc Medrol. Sau khi dùng thuốc này, chị thấy triệu chứng viêm đỡ hẳn.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn chị đã chịu tác dụng phụ của thuốc quá nhiều. Gương mặt biến đổi vốn là phụ nữ có gương mặt trái xoan, chị Hằng biến đổi thành gương mặt béo phì, tròn xoay.

Chị đi khám, bác sĩ cho biết chị bị hội chứng cushing. Đây là hội chứng thường gặp ở những bệnh nhân sử dụng thuốc có chứa corticoid.

Hiện nay, cách sử dụng corticoid rất đa dạng: từ uống, tiêm bắp, tiêm gân đến tiêm vào trong khớp, vùng ngoại vi của khớp (khớp gối, khớp háng, khớp vai), hoặc tiêm vào các mô mềm, bao gân…

Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Các bệnh tiêu hóa (Hoa Kỳ), phần lớn những người sử dụng các chế phẩm giảm đau không những sử dụng sai phương pháp mà còn không để ý đến những tác dụng phụ của các loại thuốc này. Sử dụng thuốc giảm đau bừa bãi đã đưa đến 103.000 trường hợp nhập viện và 16.500 trường hợp tử vong (nghiên cứu thực hiện năm 2005).

Những tác dụng phụ của thuốc trị viêm khớp corticoid

Lưu ý dành cho người bệnh về khớp khi châm cứu bằng phương pháp thủy châm

Hiện tại châm cứu rất phổ biến trong đa số các bệnh viện và cơ sở tư nhân, đặc biệt là phương pháp thủy châm (dùng thuốc tiêm vào huyệt). Thuốc dùng trong thủy châm thường là các vitamin nhóm B như: B1, B6, B12, 3B, H5… có tác dụng bổ trợ thần kinh, bên cạnh đó, còn có các thuốc giảm đau thuộc dòng corticoid với các tên gọi khác nhau.

Thông thường người bệnh điều trị tại bệnh viện sau một thời gian không khỏi, tìm đến các cơ sở châm cứu tư nhân điều trị. Tại đây người bệnh được châm cứu xong, thường sẽ thêm 1 thủ thuật nữa là tiêm thuốc (thủy châm).

Bạn hãy chú ý điểm này, hãy hỏi bác sỹ xem thuốc sử dụng là thuốc gì?, liều lượng như thế nào? Nếu là thuốc giảm đau, hãy kể cho bác sỹ liều trình bạn đã điều trị tại bệnh viện. Vì có thể thuốc được tiêm vào là thuốc giảm đau có liều lượng cao, tác dụng nhanh và lâu dài, nhưng hậu quả sẽ rất đáng sợ và bệnh vẫn sẽ quay trở lại ngày càng nặng hơn. Khi đó, muốn điều trị tiếp thì cần liều lượng cao hơn và tới lúc đó gan, thận, dạ dày của đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, muốn chữa cũng vô cùng khó khăn.

Khi điều trị bằng thuốc giảm đau, sẽ gây tác dụng đến gan, dạ dày, thận… gây tích lũy độc tố trong cơ thể. Vì vậy bên cạnh việc dùng thuốc, có thể tập các bài dưỡng sinh nhẹ nhàng như: yoga, thiền định, thái cực dưỡng sinh,… giúp thông kinh hoạt lạc nhằm loại bỏ các độc tố trong cơ thể, giúp gân cốt được dẻo dai.

Lương y Cao Sơn

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version