Nhiều người đi khám sức khỏe tổng quát rồi giật mình vì bác sĩ thông báo “gan nhiễm mỡ”. Thực tế bệnh gan nhiễm mỡ đang trẻ hóa và tăng nhanh, không xử lý kịp thời sẽ tiến triển thành xơ gan.
Ở người khỏe mạnh gan có chứa một chút mỡ là điều bình thường, tuy nhiên nếu lượng mỡ trong gan vượt quá 5%, thì gọi là tình trạng gan nhiễm mỡ.
Theo một điều tra dịch tễ học tại Việt Nam, ước tính cứ 4 người thì có 1 người bị gan nhiễm mỡ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đây là một trong những rối loạn ở gan thường gặp nhất trên thế giới, với tỷ lệ khoảng 2,8 – 24% dân số.
Bệnh gan nhiễm mỡ thường có biểu hiện lặng lẽ, rất khó nhận biết nếu chỉ thăm khám bên ngoài và hay tình cờ được phát hiện sau khi khám sức khỏe. Đôi khi người bệnh có thể có những biểu hiện không đặc trưng như yếu mệt, sụt cân không rõ nguyên nhân, đau bụng, buồn nôn, vàng da… Nếu không được phát hiện và giải quyết kịp thời, nó có thể tiến triển thành viêm gan, xơ gan, ung thư gan, đồng thời bệnh còn làm giảm tuổi thọ. Có thể nói gan nhiễm mỡ là hồi “còi báo động sớm”, người bệnh cần chú ý giải quyết nguyên nhân trước khi quá muộn.
Tại sao gan lại nhiễm mỡ?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, nhưng chủ yếu là:
1. Do lối sống
Lối sống ít vận động chiếm vai trò quan trọng khiến gan nhiễm mỡ, bên cạnh đó còn có thể do thuốc, hoặc do một số bệnh mạn tính như viêm gan C…
2. Do lạm dụng rượu bia
Rượu cũng là một nguyên nhân lớn gây bệnh gan nhiễm mỡ, thường gọi là gan nhiễm mỡ do rượu. Thường xuyên uống rượu bia khiến gan không có thời gian hồi phục, làm tăng nguy cơ nhiễm mỡ. Theo BS Trần Ánh Tuyết, Phòng khám đa khoa quốc tế Yersin, có đến 90% người khỏe mạnh dùng rượu bia nhiều (trên 60 g chất alcohol mỗi ngày, tương đương với hơn 1,5 lít bia), bị vấn đề gan nhiễm mỡ.
Nếu không giải quyết kịp thời, bệnh dễ tiến triển nặng hơn thành xơ gan, ung thư gan. Tuy nhiên chỉ cần ngưng uống rượu thì bệnh hoàn toàn có thể đảo ngược.
3. Do thừa cân, béo phì, tiểu đường
Béo phì, tiểu đường, mỡ máu là nhóm nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ phổ biến nhất. Có đến 80% người thừa cân béo phì bị gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, những người bị mỡ máu, tiểu đường cũng có tỷ lệ mắc gan nhiễm mỡ rất cao.
Cần làm gì khi bị gan nhiễm mỡ?
Đây là căn bệnh có thể đảo ngược, tức là hình ảnh tổ chức gan có thể trở lại như bình thường. Cần lưu ý việc điều trị bệnh phải tuân theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Nếu bệnh do một số nguyên nhân như thuốc, bệnh mãn tính, bệnh gan… thì cần giải quyết, kiểm soát các nguyên nhân này.
Người bị gan nhiễm mỡ do rượu cần hạn chế hoặc không uống rượu. Một tin vui là hình ảnh tổ chức gan của người bị gan nhiễm mỡ do rượu có thể trở lại bình thường sau 2-4 tuần bỏ rượu.
Nếu người bệnh bị tăng cân, béo phì thì giảm cân là biện pháp tốt nhất giúp kiểm soát và đảo ngược bệnh.
Người có gan nhiễm mỡ nên ăn thêm nhiều chất xơ như rau quả, hạn chế ăn đồ ngọt đặc biệt là nước ngọt, đường, chất béo bão hòa, đồng thời tập thể dục thường xuyên 30 phút hàng ngày (không nên tập nặng và quá sức).
Ngoài ra cây kế sữa, nhân sâm, vitamin E, nghệ cũng có tác dụng cải thiện tình trạng bệnh.
Phòng bệnh gan nhiễm mỡ
Phòng bệnh gan nhiễm mỡ cũng bắt đầu chủ yếu từ lối sống lành mạnh và tránh các nguyên nhân phổ biến gây bệnh, như hạn chế hoặc không uống rượu bia, ăn uống điều độ tránh tăng cân, ăn nhiều rau quả, hạn chế ăn chất bẽo bão hòa, đường, đồ ngọt đặc biệt là nước ngọt.
Nên tập thể dục thường xuyên 30 phút mỗi ngày và kết hợp với một số thảo mộc để giải độc cho gan. Đây là phương pháp đơn giản nhưng rất hữu hiệu để phòng bệnh gan nhiễm mỡ cũng như bảo vệ lá gan của bạn.
Đại Hải tổng hợp
Xem thêm:
- Những bài thuốc bí truyền giải độc gan do rượu và thuốc lá (Trí tuệ của viên Ngự Y cung đình thời cổ) – Kỳ 3
- Không chỉ chữa được ung thư, nấm Vân Chi còn ngăn chặn cả bệnh HIV
- Lá thư cầu cứu giấu trong hộp quà vén mở bức màn đen tối về Trung Quốc
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.