Thi thoảng đánh răng phát hiện có chút máu chảy thì cũng là vấn đề bình thường, tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài và ngay kể cả khi bạn chải răng nhẹ nhàng thì rất có thể bạn cần đi khám bác sĩ ngay trước khi quá muộn.

Theo các chuyên gia y tế, răng chảy máu thường xuyên có thể xuất phát từ những vấn đề như:

Viêm nha chu

Chảy máu chân răng là triệu chứng nha khoa thường gặp, các mảng bám dọc theo viền lợi do vệ sinh răng miệng không đúng cách sẽ khiến răng bị nhiễm trùng gây viêm lợi và viêm nha chu, xuất hiện chảy máu nơi chân răng và kẽ lợi.

Cao răng chứa nhiều vi khuẩn có hại đối với sức khỏe răng miệng, chúng làm mòn men răng và phá hủy cấu trúc bên trong, làm cho răng bị bệnh và yếu dần đi. Lúc này, lợi cũng sẽ bị ảnh hưởng, sưng phồng và có thể chảy máu.

Ảnh: kienthucnhakhoa.edu.vn

Tình trạng chảy máu chân răng kéo dài có thể tiến triển thành bệnh nha chu, nhất là khi bị áp xe xương ổ răng thì sẽ bị viêm nhiễm nặng dẫn đến rụng răng. Cần hết sức lưu ý đến triệu chứng này vì chúng có thể tiềm ẩn nhiều căn bệnh nguy hiểm khác mà bạn không ngờ tới.

Bệnh tiểu đường

Chảy máu chân răng là biểu hiện thường gặp trong biến chứng bệnh tiểu đường. Điều này là do trong nước bọt luôn có sẵn một hàm lượng glucose (đường) nhất định. Khi bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt, lượng đường trong nước bọt cũng tăng cao là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn có hại phát triển. Vi khuẩn kết hợp với thức ăn tạo thành các mảng bám, có thể gây sâu răng, bệnh nướu răng hoặc làm cho hơi thở có mùi hôi khó chịu.

Bên cạnh đó, lượng đường máu cao còn làm cho mạch máu dễ bị tổn thương, chít hẹp, giảm lưu lượng máu đến nuôi dưỡng nướu răng kèm theo chức năng miễn dịch của cơ thể cũng suy yếu, bởi vậy, người mắc bệnh tiểu đường dễ bị nhiễm trùng răng lợi (giai đoạn đầu của bệnh nướu răng), và bệnh nha chu (viêm nướu răng nghiêm trọng).

Do thay đổi của cơ thể khi mang thai

Có đến 70% phụ nữ mang thai gặp các vấn đề về răng miệng. Điều này là do có sự thay đổi lớn về lượng hormon trong cơ thể làm giảm tiết nước bọt tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn trong khoang miệng phát triển gây nên các bệnh lý về răng miệng như viêm nha chu, sâu răng…

Để cải thiện tình trạng này hãy thường xuyên uống nước, tăng cường nhai giúp cơ thể tiết ra nhiều nước bọt, giúp làm sạch miệng, chống sâu răng, viêm lợi. Hạn chế ăn các thực phẩm nhiều đường, súc miệng nhiều lần bằng nước sạch sau khi nôn ói để giảm thiểu sự tấn công của acid lên men răng.

Do xuất huyết giảm tiểu cầu

Biểu hiện của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu. (Ảnh: giamtieucau.com)

Xuất huyết giảm tiểu cầu là nguyên nhân hiếm gặp khiến chảy máu chân răng nhưng lại nguy hiểm nếu không được phát triển kịp thời. Người bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu khi đánh răng hay bị chảy máu răng và đi kèm với sốt, xuất hiện những mụn nhỏ li ti dưới da mà không biến mất, làm da bị căng ra.

Thiếu vitamin, canxi

Vitamin C trong cam, bưởi, chanh… có vai trò thúc đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương. Vitamin K trong chuối, củ cải… có vai trò quan trọng trong việc đông máu, nếu quá ít những vitamin này sẽ khiến quá trình đông cầm máu không thực hiện được dễ gây chảy máu chân răng.

Ngoài ra canxi, magie và các chất chống viêm có trong dầu cá có khả năng giúp răng lợi chắc khoẻ hơn, chất xơ trong rau củ tạo hiệu ứng loại bỏ mảng bám trên răng và bề mặt lợi tương tự như bàn chải đánh răng.

Bệnh về gan, thận

Ảnh: helobacsi

Gan, thận tham gia vào việc tổng hợp chất đông máu từ vitamin K nên khi cơ quan này bị yếu đi thì các chất đó không thể tổng hợp được dẫn tới hiện tượng máu không đông và gây chảy máu chân răng.

Cách xử lý khi bị chảy máu chân răng

Bạn nên khám răng miệng định kỳ khoảng 6 tháng/lần để được kịp thời chẩn đoán và điều trị các nguyên nhân dẫn đến chảy máu chân răng. Trong một số trường hợp, chỉ cần áp dụng những cách đơn giản dưới đây thì tình trạng đã chuyến biến tích cực rồi.

1. Súc miệng bằng nước muối ấm

Muối không chỉ là một gia vị quan trọng trong các món ăn mà còn có tác dụng chữa bệnh, bao gồm chảy máu chân răng.

Hòa tan một muỗng cà phê muối vào ly nước ấm rồi ngậm dung dịch này từ 3 – 5 phút sau đó nhổ ra, không cần súc miệng lại.

Lưu ý: Bạn không nên pha nước muối quá mặn hay nhạt vì sẽ không mang lại kết quả như mong muốn.

2. Sử dụng trà

Ảnh: Finizz.com

Trà được biết đến với tính chất oxy hoá và tính kháng khuẩn rất cao, rất tốt cho việc vệ sinh răng miệng. Trong trường hợp chân răng đang chảy máu bạn có thể lấy 1 túi trà lọc nhỏ và nhúng nó vào cốc nước lạnh. Sau đó lấy túi trà đã được nhúng ướt và lạnh để vào trong lợi bị chảy máu.

3. Dùng dầu đinh hương

 Bạn chỉ cần lấy một chút dầu đinh hương để bôi theo chân nướu, đặc biệt là những vùng bị chảy máu, sẽ làm những vết viêm se lại, khá hiệu quả khi hỗ trợ điều trị chảy máu răng.

4. Dùng mật ong

Ảnh: Imunostim

Với công dụng kháng khuẩn và điều trị nhiễm trùng, mật ong thường được dùng trong việc điều trị chảy máu chân răng.

Sau khi đánh răng xong, nhúng một ít mật ong lên đầu ngón tay và chà lên những vùng bị nhiễm trùng ở chân răng, cảm giác đau sẽ giảm đi đáng kể.

5. Bổ sung Vitamin C, K

Theo giới chuyên môn, trung bình một quả bưởi chứa gần 92,5 mg vitamin C nên bổ sung bưởi vào thực đơn ăn uống hàng tuần, sẽ giúp bạn tăng cường Vitamin C. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung Vitamin C qua các loại hoa quả khác như chanh, cam, xoài, dứa… để làm hạn chế tối đa tình trạng chảy máu răng

Minh Nguyên