Trong lúc trèo cây nhãn chơi, bé trai T.Q.H. (13 tuổi, Vĩnh Long) không may bị ngã. Bệnh nhi được gia đình đưa vào bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (Cần Thơ) trong tình trạng mạch nhanh, huyết áp tụt thấp…
Trao đổi với Người Lao Động, bác sĩ của bệnh viện cho biết, bé H. bị vỡ lá lách độ 4, cuốn lá lách bị đứt ngang, trong ổ bụng có dịch và gần 1.500 ml máu.
Các bác sĩ đã nhanh chóng cắt bỏ toàn bộ lá lách và sử dụng phương pháp truyền máu hoàn hồi để lấy máu trong ổ bụng truyền lại cho bệnh nhi. Sau phẫu thuật, sức khỏe em H hồi phục tốt và đã xuất viện.
ThS.BS Nguyễn Hữu Kỳ Phương, Trưởng khoa Tiêu Hóa, bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, các bác sĩ áp dụng phương pháp truyền máu hoàn hồi trong phẫu thuật để cứu sống bé H. do lượng máu mất đi rất lớn. Bệnh nhi H. có thể trụy mạch, sốc, tử vong rất nhanh nếu không có lượng máu bù vào cơ thể kịp thời.
Trước đó, bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM đã cứu sống bé trai Lê Ngọc H. (12 tuổi, Tân Hiệp, Kiên Giang) bị chấn thương đốt sống cổ, dập tủy sống, liệt 2 tay, phổi mất chức năng hô hấp, buộc phải thở máy do trèo cây trâm hái quả, theo Dân Trí.
Ngã do trèo cây, đuối nước khi tắm sông, tắm suối, ong đốt, rắn cắn… là những tai nạn rất nguy hiểm ở trẻ, thường gặp trong các tháng hè. Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ cần tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ khi con trẻ nghỉ học ở nhà, dạy cho trẻ những kỹ năng sinh tồn cơ bản nhất để tránh nguy cơ xảy ra các tai nạn đáng tiếc.
Phương pháp truyền máu hoàn hồi hay còn gọi là truyền máu tự thân – phương pháp lấy máu của bệnh nhân để truyền lại cho chính bệnh nhân. Đây là một phương pháp hỗ trợ tối ưu được sử dụng trong các phẫu thuật có nguy cơ mất máu lớn như cấp cứu mạch máu, tim mạch, vỡ gan, vỡ lách… Bên cạnh đó, phương pháp này còn tăng thêm nguồn cung cấp máu an toàn và giảm bớt được khoản chi phí điều trị cho bệnh nhân. |
Lan Phương