Sử quân tử còn được gọi là Lưu cầu tử, Sách tử quả, Đông quân tử, Bệnh cam tử… Đây là loại thuốc trừ giun nổi tiếng ở Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới. Tương truyền, tác dụng trị bệnh nhi khoa của nó đã có lịch sử hơn 1600 năm.

Nguồn gốc tên gọi Sử quân tử

Truyền thuyết kể rằng Lưu Thiền, con trai của Lưu Bị thời Tam Quốc, một lần mắc phải bệnh lạ. Sắc mặt vàng vọt, không có thần khí, tứ chi gầy gò như vô lực, luôn luôn quấy khóc, lại thích ăn những thứ như đất, gạo sống, bụng chướng căng to như mặt trống. Vào một ngày nắng ấm, hai người lính đưa cậu bé đi chơi nửa ngày ở vùng thôn quê. Khi trời sắp tối, cậu bé trở về nhà đột nhiên thấy đau bụng.

Lưu Bị vội vàng cử người đi tìm hai người lính nọ để hỏi tình hình. Hai người thấy cậu bé vừa đau vừa khóc, sợ hãi tới quỳ gập trên mặt đất không dám lên tiếng. Lưu Bị hỏi hai người có phải cậu bé đã ăn phải thứ gì đó không vệ sinh ở ngoài không. Lúc này hai người mới nhớ rằng khi đó cậu bé đã nhặt một vài quả dại để ăn.

Nghĩ rằng con trai vì ăn quả dại mà trúng độc, Lưu Bị sai họ lập tức đi tìm thái y. Hai người lính rời đi không lâu, bụng cậu bé đau dữ dội và muốn đi ngoài, một lát sau đi ra rất nhiều giun đũa. Sau đó cậu không còn thấy khó chịu và có thể ăn một chút cháo rồi ngủ say. Một vài ngày sau, Lưu Bị phát hiện bụng con trai không còn chướng nữa đã dần mềm hơn, cậu cũng không ăn đất hay gạo sống nữa. Biết rằng loại cây dại đã vô tình trị được chứng bệnh kỳ lạ cho con trai, Lưu Bị vô cùng vui mừng.

Sau đó, Lưu Bị lệnh cho hai người lính đưa người đi tới các vùng thôn quê, hái quả của loại cây lạ không biết tên kia về. Lại hạ lệnh cho đại phu phơi khô, nghiền thành bột và phát cho người dân để trị những đứa trẻ có chứng bệnh kỳ lạ như con trai. Tất cả đều ứng dụng rất hiệu nghiệm. Bởi vậy, người dân mang cừu, lợn tới doanh trại của Lưu Bị để dâng tặng và khua chiêng gõ trống để cảm ơn.

Kể cả người dân địa phương và Lưu Bị không ai biết được tên loại quả dại có hình dáng giống như quả oliu, có cạnh có góc đó tên là gì. Khi đó bỗng nhiên có một thư sinh chen vào giữa đám đông và nói: “Vì mọi người đều không biết tên của loại quả này, mà người đầu tiên nếm thử nó là công tử của Lưu sử quân, hay là ta hãy đặt tên cho nó là ‘sử quân tử’ đi”. Kể từ đó loại quả dại này được gọi là sử quân tử.

Theo Đông y, Sử quân tử vị ngọt, quy kinh Tỳ Vị. (Ảnh: sohu.com)

Theo Nam phương thảo mộc trạng, loại thảo dược còn có tên gọi Lưu cầu tử, là cây thuốc quý, loại dây leo, mọc tựa vào cây khác. Lá mọc đối, đơn, nguyên. Hoa hình ống, mọc thành chùm ở kẽ lá hoặc ngọn cành, dài khoảng 4 – 10cm. Lúc mới nở hoa trắng sau chuyển thành đỏ phớt tím. Quả khô, hình trái xoan, có 5 sườn lồi, đầu trên nhọn, đầu dưới hơi tròn, khi chín màu nâu sẫm. Mặt cắt ngang hình sao 5 cánh, giữa có khoanh tròn đựng 1 hạt. Hạt quả hình thoi, vỏ nâu sẫm, mỏng, nhăn nheo, dễ bóc, mùi thơm, vị bùi.

Công dụng trị liệu của Sử quân tử

1. Tính vị:

+ Vị ngọt, tính ấm, không độc (theo Khai Bảo Bản Thảo).

+ Vị ngọt, khí ôn, hơi có độc (theo Bản Thảo Chính).

+ Vị ngọt, tính ấm (theo Trung Dược Đại Từ Điển).

2. Quy kinh:

+ Vào kinh Tỳ, Vị (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).

+ Vào kinh Tỳ,Vị, Đại trường (Bản Thảo Tân Biên).

+ Vào kinh túc thái âm Tỳ, túc quyết âm Can (Bản Thảo Kinh Giải).

+ Vào kinh Tỳ, Vị (Trung Dược Đại Từ Điển).

3. Tác dụng và chủ trị:

+ Kiện Tỳ Vị, trừ thấp nhiệt. Trị trẻ nhỏ bị các bệnh da ngứa (Bản Thảo Cương Mục).

+ Sát trùng, tiêu tích, kiện Tỳ. Trị giun đũa, bụng đau, trẻ nhỏ bị cam tích, sữa và thức ăn không tiêu, bụng đầy, tả, lỵ (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Sát trùng, tiêu tích. Trị giun đũa, giun móc, trùng tích, bụng đau, trẻ nhỏ bị cam tích.

+ Trị trẻ nhỏ bị 5 chứng cam, tiểu đục, tiêu chảy, lỵ (Khai Bảo Bản Thảo).

+ Sát trùng, kiện Tỳ, tiêu thực (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Sử quân tử là vị thuốc chuyên trị giun cho trẻ nhỏ hiệu quả. (Ảnh: album.udn.com)

4. Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc sử quân tử

Trị giun, cam tích:

+ Hậu phác 0,4g, Sử quân tử nhân 40g, Trần bì 0,4g, Xuyên khung 0,4g. Tán bột, làm hoàn. Uống với nước gạo lâu năm (Sử Quân Tử Hoàn – Cục phương).

+ Bạch vô quyển 0,4g, Cam thảo 0,4g, Khổ luyện tử 5 trái, Sử quân tử 10 nhân. Tán bột. Mỗi lần uống 4g (Sử Quân Tử Tán – Ấu Khoa Chuẩn Thằng).

+ Sử quân tử, bỏ vỏ, tán bột. Uống lúc canh năm, khi bụng đói với nước cơm (Sử Quân Tử Tán – Bổ Yếu Thần Trân Tiểu Nhi Phương Luận ).

+ Mộc miết tử nhân 20g, Sử quân tử nhân 12g. Tán bột. Dùng 1 quả trứng gà, cho thuốc bột vào, chưng chín, ăn lúc bụng đói (Giản Tiện phương).

Trị trẻ nhỏ bị cam tích, bụng đầy, tiêu lỏng, ăn kém, bú kém: Sử quân tử, Kha tử đều 12g, Trần bì 6g, Hậu phác 8g, Cam thảo 4g. Sắc uống (Sử Quân Tử Tán – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị trẻ nhỏ Tỳ hư, cam tích: Sử quân tử, Mạch nha, Nhục đậu khấu đều 20g, Hoàng liên, Thần khúc đều 400g, Mộc hương 80g, Tân lang 20 trái. Tán bột, làm viên. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g với nước ấm [dưới 1 tuổi giảm bớt] (Phì Nhi Hoàn – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị sán, giun kim, táo bón: Sử quân tử nhục, Đại hoàng, Hoàng cầm đều 8g, Thạch lựu bì, Tân lang đều 16g, Cam thảo 4g. tán bột. Mỗi lần uống 12g, trẻ nhỏ giảm bớt liều (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị giun chui ống mật, bụng trên đau quặn: Sử quân tử, Tân lang, Chỉ xác, Khổ luyện bì đều 12g, Ô mai 4g, Quảng mộc hương 8g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị giun: Sử quân tử nhục (sao vàng). Người lớn mỗi lần 10 – 20 quả, trẻ nhỏ mỗi tuổi ứng với 1,5 quả, tổng lượng không quá 20 quả. Ăn trước khi đi ngủ. Mỗi ngày 1 lần, liên tục 3 ngày(Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Kiên Định
Nguồn tham khảo: Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung, thaythuoccuaban

videoinfo__video3.dkn.tv||138cf8fee__