Ngay từ nhỏ Diệp Quế đã ban ngày theo thầy học Thư Kinh, ban đêm được cha truyền thụ cách dùng thuốc. Các sách y kinh điển như Tố Vấn, Nạn kinh… đều xem qua và có thể nhanh chóng lĩnh hội. Năm lên 12 chẳng may cha mất sớm, ông nối nghiệp cha cứu người.

Đó là câu chuyện về Diệp Thiên Sĩ tại Giang Nam thời Khang Hy thứ 5, đời nhà Thanh, được người đời xưng tụng “Thiên Y Tinh”.

Diệp Quế (1667 – 1746), tự Thiên Sĩ, hiệu Hương Nham, người huyện Ngô tỉnh Giang Tô nay là thành phố Tô Châu. Ông là danh y nổi tiếng đời Thanh, người đặt nền móng cho phái ôn nhiệt học. Sinh ra trong gia đình hai đời đều làm nghề y, từ nhỏ đã xem cha khám bệnh kê đơn nên ông rất say mê y học. Ông thông minh hơn người, các sách về y học chỉ cần đọc qua một lần liền có thể ghi nhớ. 

Diệp Thiên Sĩ, danh y nổi tiếng đời nhà Thanh hành nghề từ năm 12 tuổi (Ảnh: youtube.com)

Tuổi trẻ mồ côi lại bần cùng khốn khó ông vừa khám bệnh, vừa bái nhà sư họ Chu vốn là đồ đệ của cha để nâng cao tay nghề. Ông tận tâm học đâu hiểu đó, lại không hề tự mãn, nghe danh y nào có sở trường giỏi hơn mình đều tìm cách bái sư. Từ năm 14 đến 19 tuổi, ông đã theo học nghề của 17 vị danh y cùng thời, nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm hay. Có rất nhiều giai thoại liên quan đến tài đức của ông và sau đây là một vài trường hợp điển hình.

Đổi tên bái sư học nghề

Có lần, sau khi thăm khám cho một người mắc bệnh hiểm nghèo đến từ Tô Châu, Diệp Thiên Sĩ nói: “Bệnh của anh uống thuốc chắc cũng không còn tác dụng nữa hãy về gặp mặt người thân lần cuối đi. Theo kinh nghiệm của ta e rằng anh chẳng sống được bao lâu nữa, nếu ta nói sai anh có thể hạ biển hiệu của ta xuống”.

Trên đường quay về người nọ đi qua chùa Kim Sơn, vì trời tối nên vào xin nghỉ qua đêm. Nghĩ mình sống cũng chẳng được bao lâu bèn đem tất cả số tiền mình có công đức cho nhà chùa. Lão hòa thượng trụ trì trong chùa nhìn kỹ dáng vẻ anh ta mấy lượt rồi hỏi: “Thí chủ! Có phải trong người có cái gì đó không ổn phải không?”

Người nọ buồn buồn cúi đầu đáp: “Ngài nói đúng đấy, danh y nổi tiếng cũng nói ta chẳng sống được bao lâu nữa” Lão hòa thượng nghe xong cung kính nói với anh: “Lão tăng cũng biết chút về y, hãy để lão thử giúp anh xem sao”. Người bệnh vui mừng gật kể rõ bệnh tình và để lão tăng chẩn mạch. Sau khi khám xong ông hỏi: “Anh về nhà phải đi đường sông hay đường bộ?”. Người nọ trả lời: “Tôi đi đường sông”.

Sợ lão tăng không nhận mình làm học trò Diệp Thiên Sĩ bèn đổi tên họ giả là người làm thuê để xin vào chùa. (Ảnh: b2uu.com)

Lão tăng mỉm cười quay đi vào trong một lát rồi quay ra với gói thuốc trên tay và nói: “Vậy là tốt rồi, anh hãy làm theo những gì ta nói. May quá bây giờ lại đúng vào mùa thu, thời điểm tốt để chữa bệnh này của anh. Hãy mua một sọt lê vừa được hái rồi chất lên thuyền và ăn hết cho tới lúc về đến nhà. Tới nơi anh uống thử bài thuốc này xem sao”.

Một năm sau trôi đi, người nọ không chỉ hết bệnh mà thể lực còn rất tốt. Anh ta lập tức đến nhà Diệp Thiên Sĩ dí dỏm nói: “Tiên sinh còn nhớ ta không? Ta vẫn chưa chết, mà còn có thể đến đây để hạ biển của ngài xuống”. Sau khi nhận ra bệnh nhân nọ, ông bèn hỏi rõ đầu đuôi sự việc, và không ngại ngùng hạ biển hiệu xuống, dọn dẹp hành lý đến chùa Kim Sơn tìm thầy.

Sau khi tìm được tới nơi, vì sợ lão tăng không nhận mình làm học trò ông bèn đổi tên họ giả là người làm thuê để xin vào chùa. Hàng ngày ông làm việc chăm chỉ, dọn dẹp phòng trong, phòng ngoài sạch sẽ xong còn giúp lão tăng làm một số công việc khác. Ông chăm chú quan sát từng lời nói, từng hành động khám bệnh của lão tăng và học hỏi được từ y thuật tới cách chữa trị. Thái độ nghiêm túc và ham học hỏi của ông được lão tăng rất coi trọng.

Ngày nọ, khi sư phụ ông không ở chùa, có một người mắc bệnh hiểm nghèo được khiêng đến chùa Kim Sơn. Thấy bệnh tình nguy cấp, cứu người như cứu hỏa nên ông làm theo cách chữa bệnh của lão tăng và chữa khỏi được bệnh cho người đó.

Diệp Thiên Sĩ. (Ảnh: ThePinsta)

Khi lão tăng quay về, vừa nhìn thấy đơn thuốc đã kêu: “Ngươi thật là giỏi, dám qua mặt cả ta. Ngoài ngươi ra còn ai dám kê đơn thuốc thạch tín có độc này”. Diệp Thiên Sĩ vội vàng quỳ dưới chân sư phụ nhận lỗi, đồng thời giải thích tại sao ông lại làm như vậy. Lão tăng thấy ông một lòng vì nghề y, lại khiêm tốn học hỏi, tôn kính bề trên, bèn đem tất cả những kiến thức mình có truyền lại.

“Tảo Diệp Sơn Trang” và “Đạp Tuyết Trai”

Ở huyện Ngô có thầy thuốc cũng nổi tiếng như ông tên là Tiết Tuyết. Một hôm có người canh phu bị bệnh nặng mời vị danh y nọ đến khám. Nhìn thấy toàn thân ông ta phù thũng xác định là bị bệnh phù ở giai đoạn cuối nên không chữa trị và bảo về lo chuyện hậu sự.

Đang lo lắng mệt mỏi đi về thì ông ta gặp Diệp Thiên Sĩ. Theo thói quen nghề nghiệp, ông thấy người bệnh thì gọi lại tìm cách chữa trị. Thăm khám và bắt mạch song ông nói với bác canh phu: “Bệnh của bác rất nặng, nhưng mà còn có cách chữa được. Tôi kê đơn thuốc cho bác, uống hai liều là đỡ”. Bác canh phu nghe vậy vui mừng không sao kể xiết, cầm lấy thuốc và nắm chặt tay ông tỏ lòng biết ơn. Sau khi uống thuốc, quả nhiên bệnh của bác canh phu thuyên giảm.

Diệp Thiên Sĩ luôn khiếm tốn học hỏi những người cùng nghề (Ảnh minh họa: pinterest.com)

Không ngờ sự việc ấy đến tai Tiết Tuyết. Ông ta cho rằng Diệp Thiên Sĩ muốn đề cao danh tiếng cho mình, nên cố ý hạ nhục và chứng minh khả năng kém cỏi của ông ta trước bệnh nhân, từ đó sinh tâm oán hận căm ghét, thậm chí gọi cái nhà xí của mình là “Tảo Diệp Sơn Trang”.

Diệp Thiên Sĩ nghe chuyện cũng tức giận, trong lòng nghĩ bản thân mình không biết hôm đó Tiết Tuyết đã khám bệnh cho bác canh phu, vả lại đã là thầy thuốc không thể nhìn thấy bệnh sắp chết mà không cứu nên mới ra tay giúp người, không ngờ ông ta lại quá quắt đặt tên mình cho cái nhà xí của ông ta, nên cũng nghĩ cách trả thù: Danh y đặt tên cho phòng đọc sách của mình là “Đạp Tuyết Trai” có ý là đạp Tiết Tuyết dưới chân mình. Cứ như vậy lâu dần quan hệ của hai người ngày càng căng thẳng.

Không lâu sau mẹ của Diệp Thiên Sĩ bị bệnh nặng, ông tự mình khám và kê đơn nhưng uống nhiều thuốc rồi mà bệnh vẫn không khỏi. Ăn không ngon ngủ không yên, ông ngày đêm lo lắng không biết nên cho mẹ uống thuốc gì.

Chuyện đến tai Tiết Tuyết, sau khi hỏi thăm biết bệnh tình của mẹ ông, vừa cười vừa nói với người hàng xóm cạnh nhà: “Bệnh của mẹ Diệp đại phu không uống Bạch hổ thang là không khỏi. Bài thuốc này tuy hơi mạnh một chút nhưng việc đầu tiên là phải khử tà, sau đó mới điều trị. Ông ta thông minh một đời sao lại nhất thời lú lẫn thế nhỉ?”.

Diệp Thiên Sĩ cũng đã từng nghĩ tới việc dùng Bạch hổ thang nhưng sợ mẹ tuổi tác cao, chịu không nổi bài thuốc này nên không dám kê. Nghe Tiết Tuyết nói thế, liền cho mẹ uống Bạch hổ thang, kết quả là mẹ ông đã khỏi bệnh nhanh chóng.

Sau khi mẹ khỏi ông suy nghĩ rất nhiều về việc này. Ông tin Tiết Tuyết đích thực có những mặt giỏi hơn mình cần học hỏi, nếu cứ mãi hiềm khích tật đố lẫn nhau như vậy không có lợi cho bệnh nhân nên gỡ bỏ cái biển treo ở phòng đọc sách xuống và đích thân đến cảm ơn Tiết Tuyết, còn nhờ ông ta chỉ giáo. Thấy Diệp Thiên Sĩ khiêm tốn như vậy nên vị danh y nọ rất cảm động, hai người bắt tay vui vẻ xóa bỏ mọi nghi ngờ lẫn nhau.

“Thiên y tinh” tiếng tăm lừng lẫy Giang Nam

Khi chữa trị bệnh Diệp Thiên Sĩ không chỉ tuân theo các phương pháp truyền thống, mà còn sáng tạo ra nhiều cách thức mới nên thu được kết quả rất tốt. Có một năm, ở huyện Ngô xảy ra bệnh dịch, nhiều trẻ em mắc sởi và viêm phổi. Các thầy thuốc xưa đều cho rằng cần kiêng gió kiêng nước; phải quấn bé thật chặt và giữ trong phòng kín, kết quả nhiều bệnh nhân vì vậy mà tử vong.

Vì khả năng chữa bệnh tài tình, ông được người đời tôn xưng là “Thiên y tinh” (Ảnh: pinterest.co.kr)

Một hôm, có người bế con bị sởi đến nhờ Diệp Thiên Sĩ cứu chữa, vì sợ đứa bé đi đường bị gió lạnh nên dùng chăn bông quấn kỹ. Khi mở chăn ra thăm khám, ông thấy mặt bé đỏ rực, thở hổn hển và ho liên tục. Ông vội mở toang hết chăn ra và nói với gia đình họ: “Trẻ bị bệnh vốn đã bức bối khó chịu, thế mà các ông các bà còn quấn chặt chăn bông như thế này làm sao nó chịu nổi! Tôi kê đơn thuốc uống sẽ khỏi ngay, nhưng khi về đến nhà, phải mở hết chăn áo ra, mở hết cửa sổ cho nhà thoáng đãng, sạch sẽ. Cháu cần hít thở không khí trong lành, bệnh mới chóng khỏi được”. Gia đình nọ vội quỳ xuống cảm ơn và về làm theo lời ông, quả nhiên bé rất nhanh khỏi bệnh.

Y học hiện đại chứng minh, bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm thường xảy ra đối với trẻ em, dùng thuốc điều trị tất nhiên là rất quan trọng, nhưng tạo không khí thông thoáng là điều không thể coi nhẹ. Thời bấy giờ Diệp Thiên Sĩ đã nhận thức được như vậy quả là người hiểu biết.

Phương thức điều trị của ông hiệu quả rất rõ rệt nên tiếng tăm lan khắp vùng Giang Nam, hằng ngày có rất nhiều người tìm đến ông chữa bệnh. Tương truyền người đứng đầu của Đạo gia ở vùng Giang Nam khi đó là Trương Thiên Sư bị bệnh cũng đến nhờ ông. Có người hỏi lý do ông ta đáp: “Ông ấy là Thiên Y tinh giáng trần, bệnh của ta chỉ có ông ấy mới chữa khỏi”. Từ đó mọi người gọi Diệp Thiên Sĩ là “Thiên Y tinh”.

Sự cống hiến lớn nhất của ông cho nền y học là sáng lập học phái ôn bệnh. Ông đã tổng kết kinh nghiệm của tiền nhân và phát hiện phép trị liệu không rõ ràng, không hệ thống lại thiếu lý luận, thực tiễn nên quyết tâm tìm tòi nghiên cứu tổng hợp. Một thời gian sau đưa ra hệ thống nhận thức hoàn toàn mới về quy luật phát sinh, phát triển cũng như cách điều trị. Hơn hai trăm năm nay, nhiều người đã kế tục hoàn thiện học thuyết này và ông được tôn là tổ sư của học phái ôn bệnh. Hiện còn các sách “Ôn Nhiệt Luận” và “Lâm Chứng Chỉ Nam Y Án” đều là do đồ đệ của ông tập hợp chép ra thành sách. Ông mất năm 1749, hưởng thọ 79 tuổi.

Kiên Định