Chùm ngây cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, hỗ trợ điều trị một số bệnh như suy nhược cơ thể, chống viêm, giảm đau, ngăn ngừa loãng xương… Cây là nguồn thực phẩm quý, không những được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo đưa vào món ăn hàng ngày mà còn được các nhà nghiên cứu ứng dụng trong công nghệ mỹ phẩm và thuốc chữa bệnh.
Cây chùm ngây còn có tên gọi khác là ba đậu dại, cây cải ngựa, cây dùi trống… tên khoa học là Moringa oleifera, thuộc họ Chùm ngây (Moringaceae). Đây là cây thân gỗ, dễ trồng (trồng bằng hạt, cành, củ), dễ sống và chịu hạn tốt.
Theo các tài liệu ghi chép lại, loài cây này được biết đến từ hơn 4000 năm trước ở các quốc gia thuộc vùng Nam Á. Ở Việt Nam, cây được phát hiện mọc hoang từ lâu đời tại nhiều nơi như Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận, vùng Bảy Núi ở An Giang, đảo Phú Quốc và Đồng Nai. Tuy vậy, cây ít được chú ý, có nơi chỉ trồng để làm hàng rào. Khi những nghiên cứu về giá trị dinh dưỡng cao của loài cây này được công bố thì cây mới được trồng rộng rãi, nhiều địa phương còn trồng với mục đích kinh doanh mang lại thu nhập cao cho người dân.
Về thành phần dinh dưỡng, cây có hàm lượng protein, canxi, magie cao; giàu vitamin A và C. Một số nguồn nghiên cứu cho biết chùm ngây chứa hơn 90 chất dinh dưỡng bao gồm 7 loại vitamin, 6 loại khoáng chất, 18 loại axit amin, 46 chất chống oxy hóa, liều lượng lớn các chất chống viêm, kháng sinh, kháng độc tố, các chất giúp ngăn ngừa và điều trị ung thư, u xơ tiền liệt tuyến, giúp ổn định huyết áp, hạ cholesterol, bảo vệ gan. Trong đó, lá chùm ngây là bộ phận chứa nhiều dưỡng chất hơn cả; tính theo trọng lượng, vitamin C có mặt trong lá cao hơn cam 7 lần, vitamin A hơn cà rốt 4 lần, canxi nhiều hơn trong sữa 4 lần, sắt gấp 3 lần cải bó xôi và kali gấp 3 lần trái chuối.
Chùm ngây được xem là loài cây hữu dụng bậc nhất trên thế giới, sử dụng được hầu hết các bộ phận, khuyến khích trồng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước nghèo để làm thức ăn, nhằm mục đích bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Giá trị dinh dưỡng của cây chùm ngây rất lớn nên người già và trẻ em, người có thể trạng yếu cũng nên thường sử dụng loại rau này giúp nhanh phục hồi cơ thể. Sau đây là một số tác dụng đáng quý của cây chùm ngây.
1. Phòng bệnh ung thư, xơ nang và thoái hóa điểm vàng
Với thành phần lên đến 46 loại chất chống oxy hoá, cùng các vitamin C và A giúp chúng ta có một cơ thể khỏe mạnh, trung hòa và loại bỏ các gốc tự do, giúp cơ thể phòng tránh được các bệnh nguy hiểm như ung thư, thoái hóa điểm vàng.
2. Chăm sóc da
Cây chùm ngây chứa cytokinin là một kích thích tố kích thích tăng trưởng và phân chia tế bào, giúp làm chậm quá trình lão hóa của các tế bào. Đây chính là bí quyết giúp chị em có một làn da đẹp và trẻ trung hơn. Hơn nữa, lượng vitamin C cao cũng giúp gia tăng tuần hoàn máu, gia tăng sự đàn hồi và săn chắc cho da.
Cách làm rất đơn giản, dùng 20g lá chùm ngây tươi xay nhuyễn, trộn cùng tinh dầu chùm ngây được hỗn hợp đắp lên mặt. Mỗi tuần nên làm 2 – 3 lần, mỗi lần đắp không quá 10 phút. Sau vài tuần bạn sẽ có một làn da căng mịn và sáng bóng.
3. Tốt cho chức năng não
Nhờ thành phần các chất chống oxy hóa mà chùm ngây có thể giảm thiểu sự oxy hóa các tế bào thần kinh, từ đó giúp não bộ khỏe mạnh hơn, tăng trí nhớ và hạn chế tình trạng trầm cảm.
4. Hỗ trợ phòng ngừa bệnh loãng xương
Trong chùm ngây chứa lượng canxi, magie dồi dào, nhất là trong lá. Đây đều là những khoáng chất vô cùng quan trọng với xương. Chế biến món ăn hoặc uống trà từ cây này giúp ngăn chặn bệnh loãng xương.
5. Khả năng chống viêm, giảm đau
Bột chùm ngây (được làm từ lá đã phơi khô, loại này dùng được lâu mà không mất đi giá trị dinh dưỡng) có khả năng ức chế các enzym có hại gây viêm nhờ thành phần chất chống oxy hóa, các kháng sinh tự nhiên, từ đó giúp làm giảm viêm hiệu quả. Bên cạnh đó, vỏ và rễ cây sử dụng làm nước uống chữa đau răng cũng cho hiệu quả cao.
6. Món ăn chữa suy nhược cơ thể
Trong ẩm thực, lá non và thậm chí cả lá già của chùm ngây được sử dụng để nấu canh suông hoặc với thịt, tôm, nấm; có thể xào thịt, trứng, hay là xay nhuyễn thành nước sinh tố. Đối với trẻ em, dùng lá xay nhuyễn làm món ăn như cháo, bột trẻ em, nhào bột bánh, pha nước uống.
Thực tế cho thấy khi nấu canh rau chùm ngây chỉ cần vừa chín tới để bảo tồn tốt nhất dưỡng chất, không cần nhiều rau vì lượng dinh dưỡng trong rau rất cao.
Một số cách dùng
Làm rau sống: Dùng làm rau sống như rau xà lách.
Nấu canh: Sử dụng như nấu rau ngót, ăn vị gần giống như loại rau này. Có thể nấu cùng thịt bò, lợn, tôm, trứng sử dụng mỗi bữa ăn.
Làm các món ăn: Có thể làm món xào thịt các loại, làm gỏi, sấy khô nghiền bột làm bánh, nấu cháo…
Làm nước sinh tố: Dùng máy xay sinh tố xay lá vừa dùng, pha cùng với đường hoặc sữa. Đây là một thứ uống bổ dưỡng.
Những lưu ý khi sử dụng cây chùm ngây
Phụ nữ có thai không nên dùng
Tương tự như rau ngót, rất tốt cho phụ nữ sau sinh vì lợi sữa, nhưng lại không tốt với người đang mang thai vì chất α-sitosterol có trong rau chùm ngây có thể khiến cơ trơn tử cung co bóp, dễ gây sảy thai.
Không nên ăn nhiều
Chùm ngây có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, đặc biệt là các khoáng chất như canxi và magie, protein. Nếu ăn quá nhiều sẽ dư thừa, gây rối loạn cho cơ thể.
Thái Sơn