Tháng ba, tháng của màu trắng hoa sưa, màu tím hoa ban, tháng của mùi hương bưởi nồng nàn. Và cũng thật là thiếu sót nếu không kể đến sắc đỏ hoa gạo, không chỉ tạo nên một nét đẹp riêng biệt lạ lùng mà còn là một vị thuốc Nam dùng để cải thiện sức khỏe và sắc đẹp.

Mùa đông cây gạo rụng hết lá. Khi vào mùa xuân, thay vì đâm chồi nảy lộc xanh tươi thì cây lại nhú dần lên những nụ hoa đỏ. Rồi cho đến tháng Ba – những bông gạo đỏ rực tựa như những ngọn đuốc rực cháy đêm ngày. Thời điểm những bông gạo rụng xuống cũng là lúc những búp non xanh mới bắt đầu cựa mình nhú lên.

Ảnh: kintedothi.vn

Cây gạo là loài cây nhiệt đới, thân cao thẳng có thể lên tới 15m, cành mọc ngang, có gai hình nón. Lá kép chân vịt với 5 – 8 lá chét hình mác hay hình trứng, dài từ 9 – 15cm, rộng 4 – 5cm. Hoa đỏ, 5 cánh mọc nhiều ở vùng cành nhỏ. Quả nang hình thoi, dài từ 8 – 15 cm, với 5 van cứng, mặt trong có nhiều sợi bông. Hạt hình trứng, xung quanh có lông dài, trắng, mịn. Vì có thể dùng bông này thay thế cây bông nên cây gạo còn có những tên gọi khác là mộc miên (bông thân gỗ), hay hồng miên (bông đỏ). Cây có nguồn gốc từ Ấn Độ, mọc nhiều ở vùng nông thôn miền Bắc nước ta.

Theo Lương y Đinh Công Bảy, Thư kí Hội dược liệu TP. Hồ Chí Minh: cây gạo có vị ngọt hơi chát, tính mát. Công dụng thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu viêm. Do vậy có tác dụng chung chống viêm nhiễm, điều trị các bệnh viêm dạ dày, viêm sưng ngoài da… Cụ thể, các bộ phận được dùng làm thuốc của cây gạo gồm: hoa, hạt, vỏ, rễ.

Hoa được thu hái lúc còn đang đỏ thắm, phơi trong bóng râm. Có vị ngọt hơi chát, tính mát công dụng giải độc sát khuẩn tiêu viêm, thông huyết. Dùng để điều trị viêm dạ dày, mụn trứng cá.

Hoa gạo tác dụng trị mụn trứng cá, làm sáng da. (Ảnh: phuot.vn)

Vỏ cây gạo vị hơi đắng, tính mát, có chất nhày; tác dụng lợi tiểu, tiêm viêm, giảm sưng đau. Dùng trong chấn thương sưng nề, viêm ngoài da, viêm loét dạ dày, đau khớp

Rễ cây gạo vị đắng tính mát có tác dụng giảm đau, thường ngâm rượu để chữa đau khớp do viêm, hoặc sao đen có tác dụng cầm máu.

Một số bài thuốc:

Bải 1: Chữa ít sữa cho phụ nữ sau sinh

Hạt gạo 12 – 15g, sắc uống ngày 1 thang, uống liên tục sẽ lợi sữa

Bài 2: Trị mụn trứng cá, dưỡng sắc da hồng

Hoa gạo 500g, Mía lau 500g, Rau má 500g, Bí đao (để cả vỏ và hạt) 500g.

Tất cả băm nhỏ, cho 2l nước vào sắc còn 1l, lọc bã cho thêm 1l nước vào sắc còn 500ml. Trộn 2 lần vào nhau, uống trong ngày. Uống liên tục trong 20 ngày sẽ cho thấy hiệu quả điều trị.

Bài 3: Trị mụn nhọt; giảm đau, chống sưng tấy

Giã hoa gạo, đắp trực tiếp vào tổn thương. Ngày thay 2 – 3 lần. Sẽ thấy giảm đau, nơi tổn thương se lại nhanh.

Hoa gạo giã nát đắp vào mụn nhọt, chỗ sưng tấy do va đập. (Ảnh: langmaithailan.org)

Bài 4: Đau răng, đau khớp do viêm, thoái hóa khớp

Vỏ gạo 15 – 20g sắc lên, uống trong ngày. Có thể ngậm, súc miệng hằng ngày nếu đau răng.

Vỏ gạo tươi 50g rửa sạch, giã nát đắp vào khớp bị đau nhức.

Yến Dương