Cây mỏ quạ là vị thuốc nam có nhiều tác dụng trị liệu hiệu quả. Nhờ công năng lương huyết, hoạt huyết, sinh cơ mà có tác dụng điều trị nhiều bệnh như phong thấp, bế kinh, bầm tím do chấn thương hay mụn nhọt lở loét…
Cây mỏ quạ có tên gọi khác là xuyên phá thạch, bởi vì rễ của loại cây này khi phát triển mà gặp đá có thể xuyên qua được. Ở Việt Nam cây phân bố nhiều nơi, thường mọc hoang hoặc được dùng để làm bờ rào.
Cần phân biệt hai loại mỏ quạ quả và mỏ quạ gai. Mỏ quạ quả là loại thân leo, quả có hình dạng giống mỏ quạ. Trong khi mỏ quạ gai là thân cây bụi, có gai, khi gai già đi sẽ cong cong như hình mỏ quạ, quả tròn khi chín màu da cam, an được. Loại được dùng làm thuốc phổ biến trong các sách y học chính là mỏ quạ gai này.
Theo Y học cổ truyền, mỏ quạ có vị đắng, tính lương (mát). Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là lá tươi hoặc được nấu thành cao, rễ cây rửa sạch, phơi sấy khô. Mỏ quạ có công dụng lương huyết, hoạt huyết (làm tan máu bầm do chấn thương) thông mạch, phong thấp, phụ nữ bế kinh… Dưới đây là một số công dụng của vị thuốc này.
Thanh phế chỉ khái
Rễ mỏ quạ 40g, Bách bộ 12g sắc uống hoặc dùng rễ mỏ quạ sao đen sắc với 500ml lấy 250ml nước thêm chút đường, ngày 3 lần cách 4 giờ.
Công dụng: Hỗ trợ điều trị ho ra máu do lao.
Khứ phong chỉ thống
Dùng rễ mỏ quả tươi sao tẩm với rượu 40g, Cẩu tích 15g, Cốt khí 12g, Dây đau xương 12g, lá lốt 15g, sắc lên với 700ml nước, còn 300ml chia 3 lần uống trong ngày.
Công dụng: Trị phong thấp, đau lưng, chân tay mỏi.
Tiêu độc, trị mụn nhọt
Rễ mỏ quạ giã nát đắp và thay băng hàng ngày vào chỗ mụn nhọt giúp tiêu mủ, giảm viêm, giảm đau. Ngoài ra, nhiều bệnh viện y học cổ truyền cũng chế cao từ lá mỏ quạ có tác dụng chống viêm, chống hoại tử các vết thương phần mềm, đặc biệt có tác dụng đối với bàn chân đái tháo đường. Có thể phối hợp với lá bòng bong lượng bằng nhau để gia tăng hợp đồng tác dụng. Vết thương sẽ liền miệng và chóng sinh cơ, lên da non.
Điều trị bế kinh
Rễ mỏ quạ 30g sắc với 500ml còn 200ml chia 2 lần, uống trong khoảng 10 ngày trước chu kỳ kinh bình thường.
Lưu ý: Kiến nghị phụ nữ mang thai không nên dùng do tính chất hoạt huyết thông kinh mạch của vị thuốc.
Mộc Chi