Đại Kỷ Nguyên

Cây thanh hao và giải Nobel Y học 2015: Một nhân duyên tiền định? (Kỳ 1)

Sau khi nhà dược học Đồ U U được nhận giải Nobel về Y học, báo chí đã viết nhiều về vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều thú vị liên quan chưa được đề cập đến. Ngay như nguồn gốc cái tên Đồ U U và cuốn y thư cổ cũng sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên.

Nhân duyên kỳ lạ với kinh thi!

Nhà Dược học Đồ U U sinh ngày 30/12/1930, tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Tên của bà nghe ra rất lạ. Có thể vì vậy, nên khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, người ta thường viết nó theo lối phiên âm “Tu You You”. Trong tiếng hoa “you you” là từ tượng thanh, âm Hán Việt đọc là “u u” – chỉ tiếng kêu của con hươu. Vì sao tiếng kêu ấy lại được dùng để đặt tên cho một bé gái?

Người phương Đông xưa quan niệm, cái tên có ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc đời một con người. Đặt tên cho đứa trẻ là việc rất hệ trọng. Như các cụ ngày xưa thường nói, cái tên nó “vận” theo suốt cả cuộc đời mỗi người. Nhận định trên có đúng hay không, tất nhiên còn phải tốn rất nhiều giấy mực. Nhưng đối với trường hợp của bà Đồ U U, từ một cô bé nhà nghèo, đã trở thành một nhà khoa học nổi tiếng, thành người phụ nữ Trung Quốc đầu tiên được nhận giải Nobel, thì xem ra đúng là như vậy.

Có người nhận định: Sự gắn bó giữa Đồ U U với “cây thanh hao” là nhân duyên tiền định, đã được ghi nhận trong “Thi Kinh” – một thi phẩm cổ điển của Trung Quốc hơn 2000 năm trước.

“You you – u u” là hai tiếng mở đầu và được lặp đi lặp lại trong một bài thơ của “Thi Kinh”: “U u lộc minh, thực dã chi bình… u u lộc minh, thực dã chi hao… u u lộc minh, thực dã chi linh … (“呦呦鹿鸣, 食野之苹 … 呦呦鹿鸣, 食野之蒿 … 呦呦鹿鸣, 食野之芩 …)” – Tạm dịch nghĩa là “Hươu kêu u u, đang ăn lá táo… Hươu kêu u u, đang ăn thanh hao… Hươu kêu u u, đang ăn nấm (phục linh) dại …”

Nhận định trên tất nhiên chỉ có thể là một phỏng đoán. Có điều, hình như bản thân Đồ U U cũng linh cảm đúng là như vậy. Vì trên trang đầu tiên của cuốn sách “Thanh hao và những vị thuốc thuộc nhóm thanh hao” (thanh hao cập thanh hao loại dược vật) do Dược sĩ Đồ U U biên soạn, sẽ thấy đập vào mắt câu thơ “U u lộc minh, thực dã chi hao” …

Trở lại những nét chính của cuộc đời bà: Thuở nhỏ, vì nhà nghèo phải sống nhờ gia đình người cậu. Năm 1951 sau khi tốt nghiệp trung học đã thi vào khoa Dược, chuyên ngành Sinh dược học (chuyên nghiên cứu về các vị thuốc sống – thực vật và động vật), của Học viện Y khoa, khi đó vẫn trực thuộc Đại học Bắc Kinh. Từ năm 1952 Học viện Y khoa mới trở thành học viện độc lập. Năm 1955 tốt nghiệp Dược sĩ, lại học thêm 2 năm trong hệ bồi dưỡng về Trung y (Đông y Trung Quốc), rồi được phân công về công tác ở Viện Nghiên cứu Trung y Trung Quốc.

Giải mã phương thuốc cổ

Ngày 23 tháng 5 năm 1967, Trung Quốc bắt đầu triển khai chương trình nghiên cứu tìm thuốc chống sốt rét mới, gọi tắt là là “Hạng mục 523,” vì được khởi động 23 tháng 5. Tháng 1 năm 1969, dược sĩ Đồ U U được phân công làm tổ trưởng trong dự án 523, phụ trách sưu tầm và chỉnh lý văn hiến và các phương thuốc Đông y truyền thống, với mục đích tìm ra chất thuốc có khả năng chữa trị sốt rét.

Tổ của bà đã nghiên cứu một lượng lớn các tài liệu y học trong các thời đại, tiến hành sưu tầm các bài thuốc dân gian, tìm gặp các vị thầy thuốc giàu kinh nghiệm ở các địa phương… Kết quả đã thu thập được khoảng 2000 bài thuốc có liên quan đến bệnh sốt rét và biên soạn thành tập sách nhan đề “Kháng ngược đơn nghiệm phương tập” (Tổng tập các bài thuốc kinh nghiệm chữa bệnh sốt rét).

Sau khi sàng lọc, đã chọn ra 380 phương thuốc và 200 loài thảo dược, trong đó có thanh hao, để tập trung nghiên cứu. Trong thời kỳ đầu, các thí nghiệm chiết xuất hoạt chất có tác dụng chống sốt rét từ thanh hao đều thất bại. Công việc tìm kiếm dường như đã đi vào ngõ cụt. Để tìm giải pháp mới, Dược sĩ Đồ U U đã đọc lại các tài liệu cổ thêm một lần nữa. Trong phương thuốc trị chứng sốt lúc lạnh lúc nóng (giống triệu chứng sốt rét) của sách “Trửu hậu bị cấp phương” của danh y Cát Hồng, có một câu đã khiến bà chú ý.

Câu đó là: “Thanh cao một nắm, ngâm trong hai bát nước, vắt lấy nước uống cho hết” (thanh cao nhất ác, dĩ thủy nhị thăng tứ, giao thủ chấp, tận phục chi). Sách soạn ra từ thời nhà Tấn (Trung Quốc), một thăng thời đó quy đổi theo đơn vị đo lường hiện nay bằng 202,3 ml. Một cái bát ăn cơm có dung lượng khoảng 200 ml, do đó “thủy nhị thăng” tạm dịch là “2 bát nước”.

Sau nhiều ngày đêm suy ngẫm về cách dùng thanh cao trong sách của Cát Hồng, dược sĩ Đồ U U bỗng nhiên linh cảm “Để chữa sốt rét cần sử dụng nước cốt trong thanh hao tươi. Phải chăng nhiệt độ cao đã phá hủy các hoạt chất trong cây thanh hao? Như vậy, khi chiết xuất phải sử dụng những chất có độ sôi thấp làm dung môi?

Sau khi đã trải qua 190 lần thất bại, ngày 4 tháng 10 năm 1971, khi sử dụng ether làm dung môi, kết quả thu được rất khả quan: Kết quả thử nghiệm trên chuột và khỉ bị sốt rét cho thấy, chất chiết xuất từ cây thanh hao có tác dụng chống ký sinh trùng sốt rét rất cao, hiệu suất đạt từ 95%-100%.

Các nghiên cứu sau này cho thấy, khi nhiệt độ vượt quá 60 độ C, hoạt chất chống sốt rét trong thanh hao sẽ bị phá hủy. Giải pháp dùng ether (thường đọc là ête, công thức hóa học là C4H10O, có độ sôi là 34,6 độ C) làm dung môi để chiết xuất artemisinin là sáng tạo có tính then chốt, quyết định sự thành bại của cả đề án. Và công lao đó, khó có thể quy thuộc về một ai khác.

Cây thanh hao. (Ảnh: tuelinh.vn)

Bốn năm giữ kín để bảo mật

Năm 1972, kết quả thử nghiệm lâm sàng trên người, cũng thu được kết quả hết sức khả quan. Cuối năm 1972, tổ nghiên cứu đã phân lập được từ thanh hao một chất dạng tinh thể không màu, đồng thời đã xác định được độ nóng chảy và phân tử lượng. Tháng 3 năm 1972, tại Hội nghị do Dự án 523 tổ chức ở Nam Kinh, dược sĩ Đồ U U đã báo cáo kết quả nghiên cứu. Tiếp đó, các nghiên cứu kiểm chứng, tiến hành một cách độc lập tại Sơn Đông và Vân Nam, cũng cho ra kết quả tương tự. Và người ta đã quyết định gọi thứ chất mới thu được là “thanh hao tố” (artemisinin).

Từ tháng 9 năm 1973 artemisinin bắt đầu được sử dụng ở trên lâm sàng. Đồng thời, tổ nghiên cứu của bà Đồ U U cũng bắt đầu tiến hành các nghiên cứu để xác định cấu trúc hóa học của thanh hao tố (artemisinin).

Công việc này do Viện nghiên cứu Trung y Bắc Kinh và một số đơn vị ở Thượng Hải hoàn thành. Đầu năm 1975, đã xác định được công thức hóa học của thanh hao tố (artemisinin) là C15H22O5. Vì lý do bảo mật, đến năm 1979 các kết quả nghiên cứu mới bắt đầu được công bố dần.

Trong quá trình tham gia hạng mục 523, cũng như hiện tại, dược sĩ Đồ U U vẫn thuộc biên chế của Viện nghiên cứu Trung y Bắc Kinh. Hiện tại bà là nhà nghiên cứu suốt đời, kiêm nghiên cứu trưởng của Viện, đồng thời đảm nhiệm chức vụ Giám đốc “Trung tâm nghiên cứu phát triển thanh hao tố.” Bà đã nhận được nhiều giải thưởng tại Trung Quốc, cũng như Quốc tế.

Theo thuocvuonnha

Xem thêm:

Exit mobile version