Ăn nhiều thực phẩm có tính axít, lạm dụng chất tẩy trắng, chải răng quá mạnh, sâu răng… là những nguyên nhân khiến răng bạn trở nên nhạy cảm, ê buốt.
Răng cấu tạo gồm lớp men, ngà và tủy răng. Trong điều kiện bình thường, ngà răng (lớp bao quanh dây thần kinh) được bao phủ bởi men răng.
Tuy nhiên, thói quen ăn uống, sinh hoạt… có thể bào mòn lớp men bao phủ, khiến ngà răng và ống ngà lộ ra ngoài dẫn đến ê buốt răng. Ngoài ra, tụt nướu cũng có thể làm lộ ngà răng và gây ê buốt.
Nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời, tình trạng ê buốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, cũng như chất lượng cuộc sống.
Dưới đây là những nguyên nhân khiến bạn bị ê buốt răng:
Ăn nhiều thực phẩm có tính axít
Đồ ăn, thức uống chứa nhiều axít có thể làm mòn lớp men bảo vệ răng, khiến răng ê buốt và hình thành các đốm đen sâu răng.
Ngoài ra, ăn nhiều thực phẩm cứng hay cắn ngập răng dễ gây mẻ, lung lay chân răng… Khi răng bị vỡ, lớp tủy nằm sâu trong răng dễ bị kích thích, gây ê buốt.
Lạm dụng nước súc miệng
Sử dụng quá nhiều nước súc miệng có thể gây nên tình trạng răng nhạy cảm do trong nước súc miệng có chứa axít. Vì thế bạn nên sử dụng đúng liều lượng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ nha khoa.
Sâu răng
Sâu răng khiến lớp tủy răng dễ bị kích thích khi thưởng thức các thực phẩm nóng, lạnh, ngọt. Cảm giác ê buốt có thể xuất hiện ngay cả khi không khí lọt vào lỗ sâu răng.
Chải răng quá mạnh
Nhiều người giữ suy nghĩ chải răng càng mạnh thì sẽ sạch vi khuẩn. Tuy nhiên, theo nha sĩ, chải răng mạnh khiến lớp men răng bị tổn thương, có thể tụt nướu, lộ ngà, ê buốt răng.
Đó là lý do vì sao khi ăn các đồ nóng, lạnh, chua, bạn sẽ bị rùng mình, ê buốt răng.
Các chuyên gia khuyên, bạn nên dùng bàn chải mềm chuyên dụng cho răng nhạy cảm, đồng thời luyện tập thói quen đánh răng đúng cách, nhẹ nhàng.
Xỉa răng bằng tăm
Chính thói quen xỉa răng bằng tăm sau khi ăn xong vô tình làm ảnh hưởng nhiều đến chân răng và lợi (nướu). Một số người xỉa răng gây chảy máu là do răng đã bị viêm nhiễm nặng.
Các chuyên gia cho biết, việc xỉa bằng tăm sẽ khiến kẽ răng bị rộng, thức ăn sẽ dễ bị lưu giữ lại đó, tạo điều kiện cho các vi khuẩn sinh sôi nhiều hơn và làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng như sâu răng, viêm quanh chân răng, viêm nướu…
Tẩy trắng răng
Vì muốn sở hữu hàm răng trắng sáng, nhiều người đã tìm đủ mọi cách để tẩy. Tuy nhiên, những phương pháp này rất dễ khiến răng trở nên nhạy cảm.
Những trường hợp làm trắng răng không đúng quy trình hay nồng độ vượt quá mức cho phép, làm tụt nướu do mô nướu bị kích thích bởi thuốc tẩy và răng mất lớp bảo vệ bề mặt. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định tẩy trắng răng, cũng như lựa chọn những địa chỉ nha khoa uy tín.
Bên cạnh tẩy trắng răng, các phương pháp chỉnh hình, niềng răng thẩm mỹ… có thể tác động gây mòn men răng, lộ ngà răng, dẫn tới hiện tượng ê buốt răng.
Lời khuyên
– Bạn có thể chủ động phòng ngừa bằng cách chải răng nhẹ nhàng bằng bàn chải lông mềm, đầu tròn, có độ đàn hồi tốt trong 2 – 3 phút và dành 30 giây làm sạch mảng bám tại các góc răng miệng. Đánh răng ngày 2 lần.
– Dùng kem đánh răng chuyên dụng dành cho răng ê buốt mỗi ngày, chứa hoạt chất strontium acetate hoặc potassium nitrate.
– Súc miệng bằng dung dịch chứa nhiều fluoride ngăn ngừa sâu răng cũng là cách hiệu quả giảm tình trạng răng ê buốt, song liều lượng cần tuân theo chỉ dẫn của nha sĩ.
– Hạn chế ăn các đồ ngọt, uống nhiều nước có gas, các thức ăn chua.
– Khám răng định kỳ 6 tháng/1 lần, lấy cao răng thường xuyên. Nếu bạn có tật nghiến răng thì đeo máng bảo vệ để hạn chế mòn răng.
– Bổ sung thường xuyên thực phẩm giàu canxi như sữa, pho mát, súp lơ xanh, cải xoăn… Ngoài ra thực phẩm giàu magie như cá, thịt, trứng…
(Tổng hợp)