Đại Kỷ Nguyên

Chăm sóc răng miệng, việc tưởng đơn giản nhưng có đến 10 sai lầm thường gặp

Mặc dù nhiều người rất chú trọng việc chăm sóc răng miệng, chăm chỉ đánh răng hàng ngày, tuy nhiên, khi đến gặp nha sĩ khám vẫn phát hiện ra nhiều vấn đề. Rất có thể lý do nằm ở những điều dưới đây. 

1. Đánh răng ngay lập tức sau khi ăn

Đánh răng ngay sau khi ăn hoặc uống những đồ uống có tính axit là một trong những sai lầm lớn của rất nhiều người. Điều này có thể tăng nguy cơ làm mòn răng của bạn. Ngay sau khi bạn ăn hoặc uống thực phẩm có tính axit, các men răng bị suy yếu, đánh răng ngay càng khiến chúng bị tổn thương và dễ gặp phải các bệnh về răng miệng như viêm lợi, nướu, sâu răng dẫn đến hôi miệng. Do đó, sau khi ăn xong 30 phút bạn mới nên đánh răng, đó là thời gian để nước bọt tiết ra có thể trung hòa các axit.

2. Đánh răng quá lâu và đánh răng quá nhiều

Ảnh dẫn theo fanpage.gr

Tất cả chúng ta đều biết rằng đánh răng là việc cần thiết, nhưng điều đó không có nghĩa là sau mỗi lần ăn xong, bạn lại phải đánh răng. Đánh răng quá thường xuyên/quá lâu có thể làm xói mòn men răng. Tốt nhất là đánh răng ba lần một ngày, hoặc phổ biến nhất là đánh răng hai lần một ngày, một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ, mỗi lần đánh răng nên kéo dài 2- 3 phút là đủ để làm sạch răng.

3. Đánh răng quá mạnh

Khi chúng ta nhấn bàn chải quá mạnh, các lông bàn chải sẽ bị uốn cong và không thể loại bỏ được các mẩu thức ăn thừa. Thêm vào đó việc đánh răng quá mạnh còn gây tổn thương lợi.

4. Không chăm sóc ngay khi còn là răng sữa

Ảnh dẫn theo goply.me

Một số bậc cha mẹ nghĩ rằng răng sữa không quan trọng vì chúng sẽ bị thay thế. Nhưng một đứa trẻ cần được học cách chăm sóc răng miệng từ sớm để hình thành thói quen tốt. Sức khỏe của răng sữa ảnh hưởng trực tiếp đến các răng sau này.

Hãy dạy trẻ chăm sóc răng miệng ngay từ nhỏ. Trẻ cần biết rằng quá trình đánh răng cần kéo dài 2-3 phút và việc đánh răng nên theo chiều dọc chứ không phải đưa ngang bàn chải.

5. Chỉ nhai 1 bên

Nhai chính là động tác làm sạch răng, cung cấp cơ hội cho răng luyện tập. Vì vậy nếu chỉ nhai 1 bên, sẽ khiến bên kia dễ bị sâu răng. Ngoài ra, việc nhai 1 bên hàm sẽ làm mặt bị lệch, thậm chí ảnh hưởng đến thính giác do bên hay nhai có khối cơ khỏe và chắc hơn.

6. Niềng răng chỉ dành cho thiếu niên

Ảnh dẫn theo disptach.co.kr

Nhiều người nghĩ rằng chỉnh nha chỉ nên thực hiện ở tuổi thiếu niên còn sau đó sẽ không còn cơ hội. Nhưng thực ra không phải vậy.

Nụ cười sáng không phải là lý do chính khiến bạn phải chỉnh nha mà bởi nếu răng khấp khệnh, nguy cơ sâu răng luôn cao hơn.

7. Không lấy cao răng định kỳ

Cao răng là mảng bám quanh răng hình thành từ nước bọt và thức ăn. Nó thường có màu vàng nâu và bàn chải đánh răng không có tác dụng. Những mảng bám này có thể gây ra bệnh nha chu. Bạn nên đi khám răng và lấy cao răng ít nhất 1 lần mỗi năm. Trong trường hợp cụ thể, nha sĩ sẽ cho thêm bạn lời khuyên.

8. Quên chăm sóc lợi

Ảnh dẫn theo dispatch.co.kr

Nếu lợi của bạn yếu và không được cung cấp đủ máu, tình trạng viêm nha chu sẽ dễ xảy ra. Khi đó, lợi sẽ chảy máu, trở nên viêm. Lợi có thể bị tụt, gây lộ cổ răng và cuối cùng là gây mất răng.

Để lợi khỏe hơn, bạn cần mát xa lợi bằng bàn chải đánh răng hoặc ngón tay. Ăn thức ăn đặc và nhai kỹ. Bạn cũng có thể súc miệng bằng nước vỏ cây sồi, trà hay nước muối.

9. Thiếu các dụng cụ làm sạch bổ sung

Ảnh dẫn theo dispatch.co.kr

Bàn chải không thể làm sạch khe răng và đó là lý do vì sao bạn cần chỉ nha khoa. Và để hạn chế vi khuẩn trong miệng phát triển, hãy chịu khó súc miệng, tốt nhất là với nước muối. Lưu ý là không được lạm dụng các nước súc miệng công nghiệp có chứa cồn và các chất sát khuẩn hóa học, chúng có hại nhiều hơn là lợi.

Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng “tăm nước” – một loại máy xịt tia nước vệ sinh răng miệng sau khi đánh răng.

10. Bỏ qua các thực phẩm tốt cho răng

Ảnh dẫn theo dispatch.co.kr

Ai cũng biết rằng ăn quá nhiều đồ ngọt có thể gây sâu răng. Tuy nhiên, để giữ cho răng khỏe mạnh, cần lưu ý bổ sung các thực phẩm giàu canxi, phốt pho và florua.

Dưới đây là một số thực phẩm tốt cho răng:

Sau cùng, hãy nhớ rằng răng miệng là cửa ngõ cho trục đường tiêu hóa, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của toàn thân. Răng miệng có vấn đề thường cũng gây ra chuyện ở các cơ quan khác như tim mạch, tiểu đường, nhiễm trùng hô hấp… Do vậy nhất định không được chủ quan.

Cao Sơn (T/H)

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Xem thêm: Chảy nước miếng khi ngủ: Thủ phạm ‘tố cáo’ sức khỏe bạn đang có vấn đề

Exit mobile version