Có một quy luật là, nếu bạn nạp vào cơ thể bạn những gì phản tự nhiên, trái với tạo hóa đã quy định thì chất đó sẽ bị đào thải. Nếu chất đó không bị đào thải, chúng sẽ ở lại và làm rối loạn chuyển hóa, tạo thành các loại bệnh, rồi đến lượt bạn bị đào thải. Ung thư, tiểu đường, tim mạch, béo phì, rụng tóc…tất cả các trạng thái có bệnh của cơ thể đều có phần nguyên do từ dinh dưỡng. Dựa theo quy luật này, chúng ta sẽ đi tìm hiểu là nên ăn đồ chay hay đồ mặn?
Chỉ cần gõ một vài từ khóa liên quan đến ăn chay lên mạng tìm kiếm, bạn sẽ có một núi thông tin với đủ loại lời khuyên khác nhau. Để chứng minh rằng con người nên ăn chay, nhiều tác giả so sánh cấu trúc sinh học của các động vật ăn thịt, ăn cỏ với con người. Ví dụ, răng của con người bằng phẳng và cùn, giống răng của các loài ăn cỏ như trâu, bò, dê, ngựa… Con người khi ăn cũng nhai kỹ như những loài trên. Rồi đường tiêu hóa người cũng dài tương tự như thú ăn cỏ. Tay không có móng vuốt để săn bắt giống như thú ăn thịt… Cuối cùng kết luận là ăn chay phù hợp với con người!!
Trong trường hợp này, việc so sánh con người với con vật, cho dù chỉ là từ cấu trúc sinh học, rồi suy luận ra điều con người nên làm thật là khập khiễng. Ấy vậy mà dường như có không ít người tán thành đồng ý với cách lập luận trên. Tất nhiên chúng ta không phủ nhận rằng động vật là một phần của thiên nhiên, và con người luôn học tập thiên nhiên. Ví như một số các võ sư, hay ý tưởng chế tạo máy bay…đều có phần phỏng theo động vật.
Thực ra những gì được đưa ra so sánh đó chỉ là chút ít bề ngoài. Hệ tiêu hóa ở cả người và vật đều rất hoàn hảo và phức tạp, họat động một cách liên hoàn, bước nọ nhịp nhàng kế bước kia. Loại chất nào có thể được tiêu hóa hấp thụ, loại nào không đều đã sẵn như vậy. Chất nào cần nạp vào, chất nào cơ thể tự tổng hợp được, và tổng hợp bằng cách nào… Tất cả đều đã định sẵn.
Nói ví dụ thế này, người không thể tổng hợp vitamine C. Còn loài chó lại tổng hợp được vitamine C theo nhu cầu. Ngay như động tác ăn, bước đầu tiên đưa thực phẩm vào hệ tiêu hóa cũng rất lý thú. Nếu khi ăn ta nhai kỹ, thì các loại men để thủy phân thức ăn sẽ được tiết ra ngay từ tuyến nước bọt. Còn khi không nhai giống như Trư Bát Giới thì lượng men tiết ra sẽ bị hạn chế. Thêm vào đó, cơ thể sẽ nhận ra bạn đang nạp cái gì vào, đạm, béo hay đường… từ đó có phương án xử lý phù hợp. Thậm chí chỉ xét trên người, từ lúc sơ sinh đến khi già chống gậy thì hệ tiêu hóa có những biết đổi khác nhau, và cũng phù hợp với thay đổi về nhu cầu đinh dưỡng khác nhau của cơ thể.
Thói quen dinh dưỡng thường gắn liền với đặc thù của sinh thái địa lý nơi con người sinh sống. Ví dụ người Eskimo là tộc người sống trên những vùng Bắc Cực với băng tuyết lạnh giá. Thực phẩm chính của họ là từ những gì săn bắn được như hải mã, hải cẩu, cá voi beluga, tuần lộc, gấu Bắc cực, bò xạ hương, chim và trứng chim, các loại cá. Họ có rất ít thực vật do điều kiện thiết tiết rất khắc nghiệt. Hoặc ví dụ như người châu Âu thì nổi tiếng là ăn bánh mì, còn người châu Á thì nổi tiếng với gạo. Mỗi trường hợp như thế, hệ tiêu hóa lại có thể đẫ có những biến đổi để thích ứng với điều kiện sống bản địa. Thể hiện ra qua sự khác nhau ở vi sinh vật đường ruột, khả năng cung cấp các loại men tiêu hóa khác nhau.
Cả Đông lẫn Tây, kim lẫn cổ, trong các sách về sức khỏe con người, các thầy thuốc luôn khuyên con người nên đa dạng hóa thực phẩm, bao gồm cả ngũ cốc rau củ quả cùng với thịt cá. Tức là bao gồm cả thực vật và động vật. Không ai khuyên bạn chỉ thiên về thứ nào đó trừ trường hợp đặc biệt.
Từ góc độ văn hóa và lịch sử phát triển của văn minh nhân loại, con người trong xã hội nguyên thủy xa xưa xuất phát từ săn bắt và hái lượm. Sau đó tiến đến trồng trọt và chăn nuôi. Gần đây mới xuất hiện các sản phẩm thực phẩm công nghiệp, bao gồm cả đồ chay công nghiệp.
Những người ăn chay thường nằm trong cộng đồng những người thực hành thực dưỡng, hoặc tin theo Phật giáo, hoặc theo một đức tin nào đó. Chế độ ăn này được nói đến nhiều trong thời gian gần đây, cùng với sự gia tăng của những người đi chùa. Tuy nhiên ít người biết được ăn chay có từ khi nào. Trong Phật giáo nguyên thủy, cách đây khoảng 2500 năm, khi đó những người xuất gia tu Phật dành hết thời gian tập trung vào tu hành, nghe giảng kinh, ngồi thiền. Đến bữa thì họ đi xin ăn. Vì thời đó nông nghiệp chưa phát triển nên không dễ dàng để có đồ ăn. Do vậy họ xin được gì thì ăn đó, có khi trong đồ ăn có cả thịt. Dần dần về sau, trong các chùa cấm hẳn ăn thịt, thầy tu không được ăn thịt. Nhưng đến bây giờ thì nhiều thày tu công khai ăn thịt uống rượu, hút thuốc… Đồ ăn chay cũng trở nên công nghiệp hóa, giò chay, bò chay, cá chay…
Khi nói đến chế độ chay, nhiều người viện dẫn ra các câu nói tán đồng của một số nhân vật nổi tiếng như Einstein. Hoặc chỉ ra rằng tại sao các nhà sư thiếu lâm ăn chay mà vẫn hồng hào khỏe mạnh. Thậm chí trâu bò to như vậy, chỉ ăn cỏ mà cũng khỏe mạnh. Rồi ăn chay tránh được bệnh này bệnh khác, tránh được nỗi sợ về mất an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường… Thực ra tỉ lệ bệnh là ngang nhau giữa chế độ ăn mặn và ăn chay. Nguy cơ bị một số bệnh còn trầm trọng hơn với những trường hợp ăn chay, đặc biệt khi bạn ăn quá đơn điệu và không kết hợp với một phương pháp dưỡng sinh nào đấy.
Chúng tôi sẽ phân tích các điểm này trong bài tiếp theo để bạn có thể tự rút ra kết luận cho riêng mình.
Thanh Tâm
Quan điểm trong bài là của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đại Kỷ Nguyên. Bạn có kinh nghiệm khác về vấn đề này? Xin hãy chia sẻ ở phần bình luận!