Bệnh nhân tăng huyết áp những ngày Tết nên cân đối các nhóm thực phẩm bao gồm chất đạm, chất béo, chất bột đường, khoáng chất, chất xơ, vitamin… Bên cạnh đó, mọi người cần ăn nhạt, kiêng muối (dưới 6gram/ngày) tránh tình trạng làm tăng huyết áp.
Theo thống kê, tỷ lệ người mắc cao huyết áp chiếm 30% dân số thế giới. Việc phát hiện và kiểm soát loại bệnh này còn rất hạn chế nên người ta gọi nó là “kẻ giết người thầm lặng”.
Người bị cao huyết áp nên ăn nhiều thịt nạc, cá, dầu thực vật và rau xanh, củ, quả, đậu, hạt; hạn chế thực phẩm giàu cholesterol, quá mặn, quá ngọt, quá béo.
Trao đổi với Vnexpress, thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Hương Lan, Viện Y dược học Dân tộc Tp.HCM đưa ra một số gợi ý chọn thức ăn ngày Tết cho người tăng huyết áp:
Bên cạnh chế độ ăn nhạt, kiêng muối (dưới 6gram/ngày), bệnh nhân tăng huyết áp cũng cần cân đối các nhóm thực phẩm bao gồm chất đạm, chất béo, chất bột đường, khoáng chất, chất xơ, vitamin… trong bữa ăn hàng ngày và trong những ngày Tết.
– Bánh chưng, bánh tét rất giàu năng lượng (250kcal/100g) có đủ các nhóm chất dinh dưỡng đạm, béo, tinh bột nhưng lại thiếu chất xơ. Bánh chưng, bánh tét thường được ăn kèm với dưa hành, củ kiệu hay dưa món. Các món dưa có chứa nhiều chất xơ giúp ăn ngon miệng. Tuy nhiên trong những món này tỷ lệ muối khá cao nên không phù hợp cho người bệnh cao huyết áp.
Tết không ăn bánh chưng, bánh tét quả là không đúng ý nghĩa nhưng nên thay thế các món dưa muối bằng các loại củ ngâm chua ngọt như kiệu ngâm chua, cà rốt, củ cải ngâm chua, ngó sen ngâm chua…
Chỉ nên ăn bánh chưng, bánh tét (khoảng 100gr/ngày) vào bữa ăn sáng hoặc trưa là những bữa ăn cần năng lượng trong ngày.
– Các món ăn chiên xào như thịt heo, gà chiên, cá chiên, lạp xưởng chiên… chứa nhiều dầu mỡ khuyến cáo không nên dùng quá 20g/ngày (khoảng 4 muỗng cà phê dầu ăn/ngày) vì làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch gây nhiều biến chứng tim mạch. Nên chế biến bằng các hình thức luộc, hấp, nướng… Hạn chế ăn thịt, nên ăn cá 2-4 lần/tuần.
– Các món thịt nguội, giò chả, nhóm thực phẩm chế biến sẵn cung cấp nhiều chất đạm, chất béo bão hòa không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra nhóm thực phẩm này còn chứa tỷ lệ muối cao vì muối vừa là chất điều vị, vừa là chất bảo quản.
Chưa kể đến để tạo ra độ dai, giòn cho món ăn, nhiều cơ sở chế biến còn cho cả hàn the rất hại cho cơ thể. Bệnh nhân tăng huyết áp nên hạn chế, nếu sử dụng không quá 100gr/ngày.
– Thịt kho trứng vịt có thành phần chất béo từ mỡ động vật rất cao, lại được kho đi kho lại nhiều lần làm cho nồi thịt vừa béo, mặn, vừa giàu đạm. Bệnh nhân tăng huyết áp không nên dùng món này mà có thể thể thay thế bằng thịt nạc heo phối hợp với nấm đông cô. Có thể bảo quản trong từng hộp nhỏ cho mỗi bữa ăn trong ngăn mát tủ lạnh, hay các món ăn chế biến từ cá, đậu hũ…
– Bánh, kẹo, mứt cung cấp năng lượng nhưng rất ít chất xơ, không chứa vitamin và khoáng chất. Không nên dùng nhiều vì dễ làm tăng cân, tạo cảm giác nặng nề khó chịu. Nên dùng các loại trái cây tùy theo sở thích và theo mùa như dưa hấu, cam, quýt, mãng cầu, bưởi, thanh long… khi đãi khách hay trong các bữa ăn hàng ngày.
– Các loại hạt như hạt dưa, hạt bí, hạt điều, hạt hướng dương, hạt “dẻ cười”. Đây là thức ăn vặt mang hương vị ngày xuân nhưng chứa nhiều chất béo, chất đạm tạo nên cảm giác “no ngang”. Để tạo sự ngon miệng người ta thường ngậm tẩm trong muối và đường hóa học. Bệnh nhân tăng huyết áp cần hạn chế các món ăn này.
– Các loại đồ uống thường dùng trong các bữa ăn và đãi khách ngày Tết đa số không thể thiếu bia, rượu và nước ngọt… Về phương diện dinh dưỡng các thức uống trên đều là chất kích thích có hại cho người bệnh tăng huyết áp. Độ cồn trong rượu càng cao, tác dụng độc càng mạnh, uống rượu thường xuyên gây tổn hại dạ dày, gan, đặc biệt trên hệ thần kinh.
Có thể uống rượu vang đỏ 100-200ml, 1-2 lon bia một ngày, nước ngọt không nên dùng trên 1 lon mỗi ngày. Ngày xuân nên uống và đãi khách những chén trà xanh, trà bông cúc, trà thanh nhiệt vừa làm mát cơ thể vừa hỗ trợ hiệu quả tiêu hóa.
– Rau xanh, trái cây nên ăn nhiều rau xanh đa dạng ngày Tết các loại như cải ngọt, xà lách xoong, bông cải, cà chua, dưa leo, bầu, bí… trái cây như cam, quýt, bưởi, thơm… mang lại nhiều dinh dưỡng, khoáng chất, vitamin rất tốt và là loại thực phẩm không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày cũng như dịp Tết.
Người bệnh cao huyết áp cũng cần đảm bảo thời lượng vận động hợp lý trong ngày. Đi bộ là hình thức tập luyện rất tốt nhờ tác dụng làm giảm áp lực trong máu và giúp tim sử dụng được nhiều oxy hơn gấp 4 đến 5 lần so với bình thường.
Các chuyên gia khuyên người bệnh nên đi bộ đều đặn mỗi ngày từ 15 đến 30 phút sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch và những biến chứng do cao huyết áp gây ra.
Tập hít thở sâu cũng rất tốt, đây là một thao tác rất đơn giản nhưng có tác dụng to lớn giúp bình ổn huyết áp. Hít thở sâu vừa có tác dụng giảm stress vừa tạo cơ hội cho người bệnh biết cách kiểm soát huyết áp của mình.
Mỗi người có thể dành khoảng 10 phút vào mỗi tối hoặc sáng để hít thở. Hít thở càng sâu càng tốt.
Thực đơn hàng ngày cần lưu ý đảm bảo: – Chất đạm: Từ 0,8-1g protein. – Chất béo từ 25-30g. Nên dùng dầu thực vật như dầu đậu nành, đậu phộng, mè, ô liu, hướng dương. – Chất bột đường từ 300-320g. – Muối ăn (kể cả bột ngọt, bột nêm, nước tương, nước mắm) không quá 6g. – Chất xơ từ rau, củ, quả khoảng 30-40g (tương đương từ 300-500g rau). – Nên tránh hoặc hạn chế các thức ăn giàu cholesterol, quá mặn, quá ngọt, quá béo. Nói chung, mỗi ngày không nên dùng hơn 250mg cholesterol từ các loại thực phẩm. – Không nên ăn thực phẩm chế biến từ nội tạng và mỡ động vật, thịt đóng hộp, giăm bông, thịt nguội, da gia súc và gia cầm, sản phẩm làm từ sữa béo, chocolate, khoai tây chiên. – Hạn chế một số thủy hải sản như tôm đồng, tôm biển, cua biển, mực… – Thiết kế thực đơn với cá, thịt nạc, dầu thực vật và nhiều rau xanh, củ, quả, đậu, hạt là an toàn nhất. Các loại rau củ tốt cho người bệnh cao huyết áp như cần tây, cải cúc, rau muống, măng lau, cà chua, cà tím, cà rốt, nấm hương, tỏi, mộc nhĩ. Khi ăn cần chậm rãi, nhai kỹ, ăn nhiều vào buổi sáng, hạn chế ăn muối. |
Phương Nam