Rất nhiều người như cậu bé 13 tuổi này, khi bị ngã do trượt chân hay vấp té thường cho rằng tai nạn không nghiêm trọng, vết đau có thể tự khỏi trong vài ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách, bệnh nhân dễ gặp di chứng nặng.
Theo VnExpress, ngày 22/10, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) tiếp nhận bé trai L.H.N (13 tuổi) nhập viện trong tình trạng đau, biến dạng đùi phải, mất vận động chân phải.
Khi đang chơi đùa thì cậu bé bị trượt ngã đập chân xuống thềm hè. Sau đó, chân phải không cử động được thì gia đình mới đưa đến bệnh viện. Kết quả chụp XQ cho thấy, cậu bé bị gãy di lệch 1/3 xương giữa đùi phải kèm theo đường gãy liên mấu chuyển xương. Bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật, nẹp vít xương đùi phải.
Trước đó, bệnh viện này cũng tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp tương tự. Cụ thể, anh B.Đ.T (28 tuổi) bị biến dạng, mất vận động khuỷu tay phải do vỡ, di lệch xương lồi trong, ngoài cầu xương cánh tay, chỉ định phẫu thuật.
Anh T. cho Infonet biết, do bị trượt chân ngã nên đã lấy tay phải chống xuống đất. Sau cú ngã thì không thể cử động tay, đau nhiều.
Tại các bệnh viện rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị tai nạn lao động, thể thao, tai nạn giao thông… hay đơn giản chỉ té ngã trong sinh hoạt, khiến xương biến dạng.
Theo sách Ngoại bệnh lý (tập 2, xuất bản 2007, PGS. TS. Phạm Văn Lình chủ biên) gãy trên, liên lồi cầu là loại gãy khó. Nguyên nhân do té ngã tay chống đất ở tư thế duỗi hay chấn thương trực tiếp vào mặt sau của khuỷu khiến đầu dưới di lệch ra trước.
Nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách, bệnh nhân dễ gặp di chứng như tổn thương thần kinh, động mạch cánh tay, nhiễm trùng… Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, lao động, sinh hoạt… đặc biệt khi trời mưa, đường trơn. Khi gặp tai nạn, cần đưa người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ, cấp cứu kịp thời và đúng cách. Không nên chủ quan tự điều trị tại nhà hay bó thuốc nam.
(Tổng hợp)