Đại Kỷ Nguyên

Chỉ số huyết áp bình thường cho từng độ tuổi nên là bao nhiêu?

Chỉ số huyết áp hàng ngày phản ánh trạng thái sức khỏe của cơ thể, huyết áp cao hay thấp đều thuộc nhóm nguy hiểm. Mỗi tuổi chỉ số huyết áp bình thường sẽ thay đổi, bạn cần theo dõi để phòng tránh nguy cơ mắc phải các bệnh tim mạch.

Huyết áp là áp lực đẩy do sự tuần hoàn của máu trong các mạch máu, tạo thành bởi các yếu tố: sức co bóp của tim, lưu lượng máu trong động mạch và sức cản ngoại vi. Khi tim co bóp, huyết áp thay đổi trong khoảng tối đa (áp lực tâm thu) tới tối thiểu (áp lực tâm trương).

Đơn vị đo huyết áp là milimet thủy ngân (mmHg).

Ở người bình thường, huyết áp ban ngày cao hơn ban đêm, huyết áp hạ xuống thấp nhất vào khoảng 1 – 3 giờ sáng khi ngủ say và huyết áp cao nhất từ 8 – 10 giờ sáng.

Khi bị lạnh gây co mạch, dùng một số thuốc co mạch hoặc thuốc co bóp cơ tim, ăn mặn hoặc khi căng thẳng, xúc động mạnh… làm cho huyết áp tăng lên. Ở môi trường nóng, ra nhiều mồ hôi, bị tiêu chảy hoặc sử dụng thuốc giãn mạch có thể gây hạ huyết áp.

Chỉ số huyết áp bình thường là bao nhiêu?

Để xác định xem chỉ số huyết áp của bạn có bình thường hay không thì căn cứ vào 2 trị số:

Huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa): là áp lực của máu trong động mạch lên tới mức cao nhất khi tim co bóp.

Huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu): là áp lực của máu ở điểm thấp nhất khi tim ở thì tâm trương.

Huyết áp bình thường: Đối với những người trưởng thành thì huyết áp tâm thu dưới 120 mmHg và huyết áp tâm trương có chỉ số trên 80mmHg, thì được coi là huyết áp bình thường.

Ảnh: Hello Bacsi

Huyết áp cao: khi huyết áp tâm thu có chỉ số từ 140 mmHg trở lên, hoặc huyết áp tâm trương có chỉ số từ 90 mmHg trở lên, thì sẽ được chuẩn đoán là mắc bệnh cao huyết áp.

Tiền cao huyết áp: khi giá trị của những trị số nằm giữa mức huyết áp bình thường và mức của cao huyết áp ( Là lúc Huyết áp tâm thu trong khoảng 120-139 mmHg, hoặc huyết áp tâm trương từ 80-89 mmHg) thì sẽ được gọi là tiền cao huyết áp.

Huyết áp thấp: Bệnh hạ huyết áp hay vẫn gọi là huyết áp thấp lúc huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg, hoặc giảm 25 mmHg so với mức bình thường.

Những yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp

– Tuổi: huyết áp có xu hướng tăng theo lứa tuổi. Trẻ em thường có số đo huyết áp thấp, huyết áp tăng dần ở người lớn, huyết áp ở người già thường cao hơn người trẻ.

– Giới tính: ở cùng độ tuổi, nữ có huyết áp thấp hơn nam.

Ảnh: healthplus

– Vận động, luyện tập: có thể làm tăng huyết áp tức thời.

– Cảm xúc: lo lắng, sợ hãi, phấn chấn cũng có thể làm tăng huyết áp. Khi tiếp xúc với nhân viên y tế, huyết áp tâm thu của bệnh nhân có thể tăng thêm 20 – 30 mmHg, huyết áp tâm trương tăng thêm 5 – 10 mmHg, được gọi là “tăng huyết áp áo choàng trắng“.

– Môi trường: ồn ào, phòng đông người, chật chội có thể làm tăng huyết áp tạm thời.

– Thuốc điều trị: thuốc co mạch gây tăng huyết áp, thuốc giãn mạch hoặc thuốc ngủ gây hạ huyết áp.

Do vậy các bác sĩ khuyến khích mọi người theo dõi thường xuyên huyết áp của mình phòng trường hợp bệnh âm thầm diễn tiến đến ngưỡng nguy hiểm khó kiểm soát.

BS. Thu Trang

Exit mobile version