Đại Kỷ Nguyên

Chớ coi thường say nắng, say nóng, hậu quả có thể khó lường

Nhiều người coi nhẹ say nắng, say nóng, nhưng nó không chỉ có biểu hiện là mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu… mà còn có thể gây đột quỵ, nếu không xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục và tử vong.

Tuy nhiên, đây là bệnh lý hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Lả nhiệt hay say nóng là bệnh lý nhiệt hay gặp nhất do suy chức năng kiểm soát nhiệt từ nhẹ tới vừa, thường kèm theo tăng nhiệt độ không khí và/hoặc kèm theo gắng sức thể lực dẫn tới mất muối và nước. Có thể diễn biến thành sốc nhiệt. Còn say nắng là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức, thường trên 40 độ, thường kèm theo đáp ứng viêm hệ thống dẫn tới tổn thương cơ quan đích cùng với tổn thương thần kinh, và tình trạng bí mồ hôi. Đối tượng dễ bị say nóng, say nắng là người già, trẻ em, những người lao động, luyện tập với cường độ cao, ở ngoài trời nắng lâu”.

Biểu hiện say nắng, say nóng như thế nào?

Say nắng:

Chỉ xảy ra với người hoạt động ngoài trời nắng.

Thường có sốt cao trên 39,8oC.

Da nóng và khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa và tiêu chảy.

Một số triệu chứng khác có thể xảy ra như giảm khả năng đánh giá, cử chỉ kỳ cục, ảo giác, thay đổi ý thức, lẫn lộn, mất định hướng và hôn mê, co giật.

Say nóng:

Thường không điển hình, những triệu chứng này giống nhiễm virus bao gồm mệt mỏi, yếu cơ, suy nhược, nôn và buôn nôn, đau đầu và đau cơ, hoa mắt, chuột rút, nhiệt độ thường trên 37 độ, dưới 40 độ.

Cách cấp cứu người say nắng, say nóng

Bác sĩ Lương Quốc Chính nhấn mạnh: “Khi gặp trường hợp bệnh nhân say nắng, say nóng, cần chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ. Việc tiến hành giúp bệnh nhân hạ nhiệt là vô cùng quan trọng và cần thiết. Bởi say nắng, say nóng nguyên nhân là do thân nhiệt tăng và mất nước”.

Nếu bệnh nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Trong trường hợp bệnh nhân sốt cao có thể dùng paracetamol để hỗ trợ hạ sốt. Nếu có co giật phải dùng các thuốc chống co giật cho bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân hôn mê có thể phải đặt ống nội khí quản thở máy.

Nếu cấp cứu không kịp thời, bệnh nhân say nắng, say nóng dễ mắc các biến chứng nghiêm trọng như tụt huyết áp, tăng men tim, thủng cơ tim, phù phổi, sặc, kiềm hô hấp, suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp, hạ đường huyết, tăng uric máu, rối loạn đông máu, mất trí nhớ…

Biện pháp phòng tránh say nóng, say nắng

Để tránh không bị say nóng, say nắng, người dân đặc biệt là người già và trẻ em không nên làm việc quá lâu, quá sức ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức; uống đầy đủ nước khi trời nắng.

Khi học tập ngoài trời giáo viên cần chọn chỗ mát có bóng cây và cho các em tập vừa sức, ưu tiên những em mắc bệnh kinh niên. Khi đi làm, đi học vào thời tiết nắng nóng cần trang bị mũ nón, quần áo dài để chống nắng.

Mùa hè trời nắng, cơ thể dễ bị mất nước và các chất điện giải qua mồ hôi. Nếu không được bổ sung đầy đủ nước và các chất khoáng, cơ thể dễ bị suy kiệt và nhiễm bệnh. Do đó nên thường xuyên uống nước dù chưa khát. Nên uống nhiều nước có pha muối hoặc tốt nhất là uống dung dịch oresol, nước trái cây, nước dừa, nước bông cúc, mía lau, rau má…

Nên định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 15 – 20 phút. Không làm việc lâu, quá sức trong môi trường nắng nóng.

Đại Hải

Xem thêm:

Exit mobile version