Đại Kỷ Nguyên

Lễ chúc mừng bệnh nhân ghép tim nhỏ tuổi nhất Việt Nam ra viện trong niềm vui vô bờ

Ngày 12/5, bé Đạt – 10 tuổi, bé trai nhỏ tuổi nhất Việt Nam được ghép tim thành công từ người hiến tạng hơn em nhiều tuổi đã xuất viện trong niềm vui vô bờ của cả gia đình và các y bác sĩ!

Cháu Nguyễn Thành Đạt, 10 tuổi, ở Sơn Tây, Hà Nội bị suy tim độ 3-4. Cháu Đạt đã được điều trị hơn 1 tháng bằng các thuốc trợ tim, lợi tiểu liều cao và thuốc chống đông, tuy nhiên tình trạng bệnh nặng dần đến suy tim giai đoạn cuối tại BV Tim Hà Nội.

Đầu tháng 3/2017, bé Đạt được hội chẩn xét ghép tim tại BV Việt Đức, gia đình bệnh nhân hết sức quyết tâm song chưa chuẩn bị đủ nguồn kinh phí và cũng chưa có người hiến tim nên bé Đạt tiếp tục được điều trị bảo tồn tại BV Tim Hà Nội.

Đến sáng 14/3, có thông tin về người hiến tạng với chỉ số sinh học phù hợp với cháu Đạt, BV Việt Đức đã liên hệ với gia đình bệnh nhi. Khi chuyển đến BV Việt Đức, bé Đạt trong tình trạng suy tim giai đoạn cuối (giai đoạn 4), ngay lập tức bé được ghép tim. Người cho tim là một thanh niên bị chết não, có trọng lượng gấp 2,7 lần cháu.

Ca phẫu thuật tim của bé Đạt là ca ghép tim đầu tiên tại Việt Nam dành cho bệnh nhi nhỏ tuổi, được ghép từ quả tim của người lớn hiến tặng

Là bác sĩ trực tiếp ghép tim cho cháu Đạt, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước chia sẻ, ca ghép tim cho cháu Đạt được bắt đầu vào khoảng 18h ngày 15/3/2017, diễn biến trong mổ rất khó khăn và cần thời gian dài gần gấp đôi thời gian mổ tim bình thường, kéo dài suốt 10 tiếng đồng hồ.

Các bác sĩ tham gia kíp ghép cho biết, do đã có sự chuẩn bị kỹ nên chỉ sai số 10% về thời gian so với dự kiến trước đó và quả tim của người cho đã hoà cùng nhịp đập trong cơ thể nhỏ bé của Đạt.

Sau ca ghép, tình trạng co bóp của tim bé Đạt khá ổn định. Tuy nhiên, bé Đạt xuất hiện tình trạng phù phổi khá nặng, nồng độ oxy trong máu tụt, phải hồi sức khá vất vả mới có thể chuyển bé về khu hậu phẫu sau ghép tim.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Hà – đơn vị Hồi sức tim mạch của khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực cho biết, do gặp vấn đề về hô hấp nên 10 ngày sau ghép tim, bé Đạt mới thôi không phải thở máy hoàn toàn.

Tuy ca ghép tim đã thành công nhưng em vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro

Hơn 1 tháng sau ghép tim, bé Đạt vẫn bị phù phổi hết bên phải lại sang trái, rồi tràn khí màng phổi 1 bên, thậm chí có lúc cả 2 bên, xẹp phổi nặng… các y bác sĩ đã phải đặt – rút máy thở nhiều lần cho bé và nguy cơ nhiễm trùng khá cao.

Việc chăm sóc hô hấp cho bé Đạt phải thực hiện tiếp tục trong gần 2 tháng sau mổ. Bé phải trải qua 2 lần bơm dính màng phổi và 6 tuần sau ca ghép tim, bé mới được rút ống dẫn lưu màng phổi.

“Cháu Đạt đã được chăm sóc theo các chế độ về dinh dưỡng, phác đồ thuốc ức chế miễn dịch, kiểm soát nhiễm trùng kết hợp tập hô hấp với liệu pháp tích cực. Tình trạng phổi của bé Đạt tiến triển tốt và dần ổn định theo thời gian”, điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ

Chia sẻ với báo chí tại buổi lễ chia tay bé Đạt ra viện, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước nhấn mạnh, thành công của ca ghép tim này không chỉ góp phần đem lại sự sống cho cháu Đạt mà còn khẳng định được trình độ của y bác sĩ bệnh viện Việt Đức trong ghép tạng.

Chị Mai Phương, mẹ bé Đạt chỉ biết nhìn con mà khóc nếu bé Đạt không được phẫu thuật tim để cứu mạng sống

Ngồi bên cạnh con trai trong buổi lễ, chị Nguyễn Thị Mai Phương – mẹ cháu Đạt bày tỏ lòng cảm ơn đến các y bác sĩ tham gia ca ghép cũng như chăm sóc và điều trị cho con trai của mình trong suốt thời gian từ khi Đạt nhập viện cho đến ngày ra viện. Chị cũng bày tỏ sự tri ân và cảm ơn đến gia đình người hiến tạng đã dành trái tim cho con chị cũng như sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng đã giúp gia đình chị có nguồn kinh phí ghép tạng cho con…

Hoàng Kỳ tổng hợp

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version