Virus gây nên dịch viêm phổi tại Trung Quốc được gọi là 2019-nCoV, là một chủng virus corona mới, trước đây chưa được xác định là có ở người.
Virus corona là một họ virus rộng, nhưng hiện chỉ có sáu chủng được xác định là lây cho người và chủng mới phát hiện này là thứ bảy.
Dấu hiệu nhiễm bệnh gồm các triệu chứng hô hấp, sốt, ho, khó thở.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo mọi người tránh tiếp xúc trực tiếp với động vật sống, nấu chín kỹ thịt và trứng, tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai có triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm.
Theo Bloomberg, các bài đăng về virus corona mới là thứ được quan tâm tìm kiếm nhiều nhất Trung Quốc hiện nay. Các bài đăng về sự lây nhiễm về virus corona đã đạt lượt xem lên đến 1 tỷ lần trên mạng xã hội Weibo.
Hàng trăm triệu người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc đang rất lo ngại về sự bùng phát của chủng virus lạ này, đặc biệt khi đây là thời điểm nhiều người dân Trung Quốc sẽ đi du lịch, về quê,… dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2020.
Virus corona thuộc cùng họ với Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS), virus từng bùng phát từ Trung Quốc và khiến gần 800 người trên toàn thế giới tử vong năm 2002.
Trong cuộc họp báo ngày 22/01 tại bắc Kinh, thứ trưởng Y Tế Trung Quốc, ông Lý Bân (Li Bin), cho biết đã xác định có 440 người nhiễm virus viêm phổi cấp ở Trung Quốc, 9 người tử vong. Trước đó một ngày, thống kê có khoảng 300 người nhiễm và 6 người chết.
Quan chức Trung Quốc giải thích thêm, loại virus corona này có thể lây truyền qua đường hô hấp một cách dễ dàng từ người này qua người khác.
Phương thức phòng bệnh duy nhất của người dân lúc này là khẩu trang và các chai nước diệt khuẩn. Dịch đã lan đến gần một nửa số tỉnh ở Trung Quốc, trong đó có các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, và còn có nguy cơ lan rộng nhanh chóng khi Trung Quốc đang trong kỳ nghỉ Tết âm lịch.
Thành phố Vũ Hán là trung tâm của dịch, các biện pháp kiểm tra phát hiện bệnh đang được tăng cường, đặc biệt tại các nơi tập trung đông người qua lại như nhà ga, sân bay.
Hôm nay (22/1), sau phát hiện trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên tại Mỹ, Tổ chức Y tế Thế giới họp khẩn xem xét việc ban bố tình trạng “y tế khẩn cấp trên phạm vi quốc tế “.