Khi trẻ bị sốt, nhiều phụ huynh vì quá lo lắng đã nhanh chóng chườm lạnh, đắp chăn, cho trẻ uống xen kẽ các thuốc hạ sốt, kết hợp thuốc đặt hậu môn… Các chuyên gia cảnh báo, đây là cách hạ sốt sai lầm, tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe của trẻ.
Uống thuốc hạ sốt quá sớm
Khi thấy con sốt, các bậc phụ huynh thường nhanh chóng hạ nhiệt cho trẻ bằng thuốc. Các chuyên gia cảnh báo, không nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ vẫn dưới 38,5 độ.
Khi trẻ sốt nhẹ ở mức 37,5 – 38,5 độ chỉ cần cởi bớt quần áo, cho bé uống nhiều nước hoặc bú mẹ nhiều hơn. Để đo chính xác, cha mẹ nên đặt nhiệt kế ở nách, không nên đo ở miệng, trán hay hậu môn.
Dùng xen kẽ các thuốc hạ sốt
Các chuyên gia cảnh báo, không nên cho trẻ dùng đồng thời cả thuốc đặt và thuốc uống cùng chứa paracetamol vì rất dễ bị quá liều, gây hạ nhiệt độ quá nhanh lên thân nhiệt của trẻ và gây nguy cơ ngộ độc thuốc.
Bên cạnh đó, không nên coi việc dùng thuốc đặt hậu môn là giải pháp thường xuyên để hạ sốt cho trẻ.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý, không nên dùng thuốc đặt hậu môn hạ sốt với trẻ có cơ địa dị ứng với paracetamol, trẻ có bệnh nặng ở gan, bị viêm da vùng hậu môn – trực tràng, chảy máu trực tràng, bị tiêu chảy.
Trẻ bị táo bón, hoặc đang có bệnh lý vùng hậu môn… không nên đặt thuốc hạ sốt sẽ ảnh hưởng tới sự hấp thu của thuốc, làm giảm tác dụng điều trị.
Chườm lạnh, dán miếng hạ sốt
Chườm lạnh, bôi dầu, dán miếng hạ sốt… chỉ là những phương pháp có thể giúp trẻ hạ sốt 1 giờ đầu nhanh hơn, nhưng sau trẻ sẽ sốt lại. Bôi dầu hay dùng miếng dán còn làm hại da trẻ.
Nếu sốt do nhiễm khuẩn, viêm phổi, chườm lạnh sẽ làm bệnh trầm trọng thêm khiến trẻ dễ nhiễm lạnh và viêm phổi do làm tăng khả năng sử dụng oxy lên.
Buộc lát chanh vào gan bàn chân, hạ sốt bằng lươn sống
Đó là những phương pháp được các bà mẹ bỉm sữa truyền miệng trên nhiều diễn đàn xã hội, thu hút rất đông sự quan tâm.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lân – Viện Y học Cổ truyền Quân đội trao đổi với Khám Phá, việc hạ sốt bằng lươn sống, buộc lát chanh vào gan bàn chân trẻ, cạo gió… không hề có cơ sở khoa học có thể hạ sốt cho trẻ. Ngược lại, áp dụng các phương pháp này còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe cho trẻ.
Đặt lươn trên lưng trẻ có thể khiến bé bị nhiễm khuẩn hay việc buộc chanh vào chân trẻ không gây hại tuy nhiên chanh là loại quả có tính axit thì vậy không nên buộc khi lòng bàn chân có vết xước, hoặc người có cơ địa nhạy cảm…
Cách chăm sóc khi trẻ bị sốt
Bác sĩ Lân cho biết, trong tất cả các trường hợp con bị sốt, cha mẹ không nên quá lo lắng mà cần bình tĩnh phán đoán bệnh để có phương hướng điều trị.
– Khi trẻ bị sốt việc cần thiết nhất là cung cấp nước cho trẻ và đưa trẻ đi khám bác sĩ.
– Đối với trẻ sốt dưới 38 độ C không nên dùng thuốc hạ sốt. Nên để cho cơ thể trẻ tự điều chỉnh và lấy khăn ấm lau bẹn, nách, cổ cho con. Trong nguyên tắc trong của các bác sĩ, trẻ sốt trên 38,5 độ C mới được phép uống thuốc hạ sốt nhưng cần theo chỉ định của bác sĩ.
– Nếu trẻ bị sốt vừa, phụ huynh cho trẻ mặc quần áo rộng, đặt nằm ở nơi thoáng mát, dùng thuốc hạ sốt theo đúng chỉ định. Bên cạnh đó, có thể dùng phương pháp lau mát hạ sốt. Tuy nhiên, cần lưu ý lau mát hạ sốt cho trẻ bằng nước ấm, không dùng nước lạnh, nhất là nước đá bởi quá trình thay đổi nhiệt độ của cơ thể phải có sự thích ứng nhất định.
– Không nên lau khăn lạnh vào vùng ngực cho trẻ vì có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi. Không cạo gió khi trẻ đang bị sốt cao vì dễ dẫn đến rối loạn tuần hoàn máu khiến thân nhiệt của trẻ có thể tăng lên, gây sốt cao hơn.
– Với những trẻ bị sốt cao, tuyệt đối không đắp chăn dày hoặc mặc quần áo kín mít cho trẻ. Điều này vừa làm thân nhiệt của trẻ tăng cao, khó hạ sốt vừa khiến trẻ dễ bị đổ mồ hôi và nhiễm lạnh trở lại cơ thể.
– Trẻ đã dùng thuốc hạ sốt, lau mát mà vẫn sốt cao, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ điều trị kịp thời.
– Với những trẻ lớn hơn, có thể bù dưỡng chất bằng cách cho trẻ uống các loại nước ép trái cây giàu chất dinh dưỡng hay các loại thuốc bổ đa sinh tố giàu vitamin C và vitamin nhóm B.
Phương Nam