Tim đập không ngừng nghỉ tạo thành vòng tuần hoàn mang máu và oxy đến nuôi các bộ phận trong khắp cơ thể. Nhịp tim là số nhịp đập/ phút, được xem là một phương pháp hữu hiệu để dự đoán tình trạng sức khỏe, tuy nhiên không chỉ có vậy, qua nhịp tim người ta còn có thể dự đoán được tuổi thọ của các quý ông.
Chỉ số nhịp tim bình thường
Thông thường, nhịp ở người trưởng thành, khỏe mạnh dao động trung bình từ 60 – 100 nhịp/phút khi đang ở trong trạng thái nghỉ ngơi. Tất nhiên, chỉ số này sẽ thay đổi tùy theo độ tuổi, thể trạng sức khỏe, trạng thái cơ thể hoạt động hay nghỉ ngơi, người luyện tập thường xuyên hay người ít vận động.
Nhịp tim tối đa: Là giới hạn nhịp tim cao nhất mà tim có thể đạt được khi vận động gắng sức, thường được tính bằng cách lấy 220 trừ đi tuổi của bạn.
Nhịp tim mục tiêu: Là khoảng nhịp tim an toàn, giúp bạn có chế độ luyện tập hợp lý để tránh biến chứng xảy ra khi vận động hoặc làm việc gắng sức. Chỉ số này được tính bằng 50% đến 85% nhịp tim tối đa. Trong quá trình luyện tập, nếu nhịp tim của bạn tăng trên khoảng này, bạn có thể gặp nguy hiểm.
Với động vật: Nhịp tim càng chậm tuổi thọ càng cao
Các nhà khoa học đã sớm phát hiện rằng những động vật có vú nhỏ như chuột, thỏ… có nhịp tim rất nhanh, tim đập vài trăm nhịp một phút và tuổi thọ của chúng chỉ từ khoảng 1 – 3 năm. Ngược lại ở những động vật có vú lớn ví dụ như cá voi, nhịp tim lại rất chậm chỉ khoảng 20 nhịp/ phút và tuổi thọ của chúng có thể đạt tới 30 – 40 năm.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ở tất cả các loại động vật đều có quy luật thống nhất này. Và một điều thú vị hơn đó là nhịp tim của loài chuột sống ở kho thóc cao hơn từ 20 – 30 lần so với cá voi tức là khoảng 500 – 600 nhịp/ phút nhưng trọng lượng của chúng chỉ bằng 1/500 nghìn của cá voi. Mặc dù các loài động vật có kích thước to nhỏ khác nhau tuy nhiên tỷ lệ trọng lượng của trái tim so với cơ thể là gần giống nhau tức là khoảng 0.5% -0.6%.
Với người trưởng thành: Nhịp tim là chỉ số dự đoán tuổi thọ của nam giới một cách hiệu quả
Số nhịp đập của trái tim trong cơ thể chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn bởi thần kinh tự chủ và thể dịch. Nếu bị kích động tim sẽ đập nhanh và khi bình tĩnh tim sẽ đập chậm. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh trái tim người trưởng thành trung bình đập khoảng 70 nhịp/ phút thì họ có thể sống tới 80 tuổi (trừ các loại can nhiễu do bệnh tật).
Trong suốt cuộc đời trái tim sẽ đập khoảng từ 2,5 – 3 tỷ lần, nếu nhịp tim lúc nghỉ ngơi (Rest heart rate) khoảng 60 nhịp thì tuổi thọ của chúng ta có thể đạt tới 93 tuổi. Qua đây có thể thấy nhịp tim lúc nghỉ ngơi càng chậm tuổi thọ càng kéo dài và ngược lại nếu nhịp tim lúc nghỉ ngơi khoảng hơn 80 nhịp thì tuổi thọ sẽ bị rút ngắn. Các nghiên cứu lâm sàng cũng chứng thực được rằng, những người có nhịp tim lúc nghỉ ngơi nhanh nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch nhiều hơn và tỉ lệ tử vong cũng cao hơn.
Có một nghiên cứu về mối liên hệ giữa nhịp tim và tuổi thọ của người già được thực hiện như sau. Đối tượng được lựa chọn nghiên cứu là những người già độ tuổi từ 65 – 70, không có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, trong nhóm đối tượng có 1.407 cụ ông và 1.134 cụ bà. Trải qua một thời gian nghiên cứu kết quả cho thấy ở các cụ ông có nhịp tim lớn hơn 80 nhịp/ phút, tỉ lệ sống thọ tới 85 tuổi giảm gần một nửa so với những người có nhịp đập của tim nhỏ hơn 60 nhịp/ phút. Như vậy có thể thấy nhịp tim là chỉ số có thể giúp ta dự đoán tuổi thọ của nam giới một cách hiệu quả, tuy nhiên lại không có khác biệt rõ ràng với nữ giới.
Nhịp tim tỉ lệ nghịch với tuổi thọ
Các nghiên cứu khoa học phát hiện nhịp tim có thể tỉ lệ nghịch với tuổi thọ, tức là nhịp tim càng chậm thì càng sống thọ; nhịp tim càng nhanh thì tuổi thọ càng ngắn. Nếu nhịp tim của một người trưởng thành khi bình tĩnh luôn duy trì khoảng 60 nhịp/ phút thì thọ mệnh có thể đạt tới 93 tuổi; ngược lại nếu nhịp tim lớn hơn 80 nhịp /phút, thì tuổi thọ sẽ bị rút ngắn rõ rệt.
Thông thường nhịp tim trên 100 nhịp/phút được coi là nhịp tim nhanh. Nhịp tim nhanh thường phổ biến khi hưng phấn, xúc động, hút thuốc, uống rượu, sau khi uống trà đặc hoặc cafe, hoặc thường thấy ở những trạng thái bệnh lý như nhiễm trùng, sốt, sốc, thiếu máu, cường giáp, suy tim…, hoặc thường gặp sau khi uống các loại thuốc có chứa atropine, epinephrine, ephedrine…
Nhịp tim chậm là khi nhịp đập của tim ở mức dưới 60 nhịp/ phút, tuy hiện tượng này không xuất hiện nhiều triệu chứng và biến chứng nhưng có thể gây ra do sự tác động của một số bệnh lý và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Đối với người có thể lực tốt, vận động viên thể thao thì hiện tượng nhịp tim chậm hơn người khác được coi là bình thường (khoảng 45 – 60 nhịp/ phút). Tuy nhiên, phần lớn người có nhịp tim chậm chủ yếu là đang gặp những rối loạn liên quan tới kiểm soát hoạt động bơm máu của tim. Hiện tượng này có thể do dị tật tim bẩm sinh, tổn thương hoặc thoái hóa mô tim, tăng huyết áp, biến chứng sau phẫu thuật tim. Hoặc do một số bệnh lý tác động như: sốt, thấp khớp, sốt virus, mất cân bằng điện giải, hội chứng khó thở khi ngủ, bệnh cao huyết áp do dùng thuốc.
Làm thể nào để có trái tim khỏe mạnh?
1. Hãy cười nhiều
Nụ cười có lợi ích giúp bạn giữ được một trái tim khỏe mạnh. Nhờ việc hạ thấp hàm lượng hormone cortisol stress, cười giúp giảm huyết áp, cải thiện tâm trạng. Bên cạnh đó, cười còn giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Nhiều nghiên cứu chỉ ra những người bị trầm cảm có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 2 lần so với người bình thường. Bởi vậy, hãy cười mỗi ngày để trái tim luôn khỏe mạnh.
2. Giảm cân
Cân nặng ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành các bệnh tim mạch. Mô mỡ trong cơ thể người bệnh béo phì tăng khiến lượng tuần hoàn máu tăng. Khi đó lực cản ngoại vi của động mạch nhỏ cũng tăng theo, buộc tim phải làm việc nhiều, tăng nhịp đập của tim để đảm bảo cung cấp máu cho cơ thể. Đó là nguyên nhân dẫn đến xơ cứng động mạch nhỏ gây tăng huyết áp. Ngoài ra, natri trong cơ thể người béo phì làm tăng lượng tuần hoàn máu dẫn tới tăng huyết áp.
3. Giảm căng thẳng
Cảm xúc của con người là một yếu tố rất quan trọng giúp cho tim khỏe mạnh và hoạt động bình thường. Cảm xúc thay đổi những cơn giận dữ, lo lắng sẽ làm cho tim đập nhanh, gây tình trạng hồi hộp và cảm giác khó thở. Chính vì vậy giữ cho cảm xúc được cân bằng, bình tĩnh trước mọi nghịch cảnh, giữ cho tâm được thanh tịnh là một trong những biện pháp tốt giúp cho trái tim luôn được khỏe mạnh.
Những bài tập thả lỏng thư giãn đầu óc như thiền, yoga, thái cực quyền, các kỹ thuật giảm căng thẳng giúp nhịp tim chậm dần theo thời gian. Nếu thường xuyên luyện tập các bài tập này hàng tuần, bạn sẽ có một trái tim khỏe mạnh.
4. Cai thuốc lá
Các loại chất độc trong khói thuốc cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tim. Chúng gây nên tình trạng viêm tắc động mạch trong đó có cả động mạch vành. Nhất là khi kết hợp với các bệnh khác mà chủ nhân của trái tim mắc phải như béo phì, đái tháo đường, xơ vữa động mạch… thì thật là tai hại. Trước đây người ta tưởng rằng thuốc lá chỉ gây ra bệnh viêm phế quản tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi, nhưng thật sự tác hại của nó trên tim mạch là rất lớn và vô cùng nguy hiểm. Chính vì vậy, không nên hút thuốc lá hay bỏ hút thuốc lá là một thông điệp vô cùng quan trọng với sức khỏe của trái tim.
Theo Secretchina
Kiên Định