Bà Angela Merkel đã lên cơn run lần thứ ba trước công chúng, làm gia tăng thêm lo ngại về sức khỏe của vị thủ tướng 64 tuổi.
Trong lần gần nhất, Bà Merkel bất chợt run rẩy khi đứng cạnh Thủ tướng Phần Lan tại Berlin ngày 10/7. Khi bài quốc ca vang lên, bà Merkel bắt đầu run không kiểm soát dù đã dùng hai tay ghì chặt nhau. Cơn run xuất hiện khoảng 1 phút rưỡi cho đến khi bà bắt đầu bước đi.
Lo ngại sức khỏe
Trong cuộc họp báo sau đó bà Merkel nói: “Tôi vẫn khỏe, mọi người không phải lo lắng về tôi”. Đây là lần thứ ba trong vòng một tháng bà Merkel rơi vào tình trạng này. Hôm 18/6, bà run rẩy trong lễ đón Tổng thống Ukraine – Volodymyr Zelensky. Thủ tướng Đức sau đó giải thích rằng bà bị mất nước và cảm thấy khỏe hơn khi uống 3 cốc nước.
Một quan chức cho biết nguyên nhân tình trạng này lặp lại chủ yếu là do tâm lý. Sự cố đầu tiên đã để lại ấn tượng mạnh, khiến Merkel tiếp tục run rẩy trong các sự kiện tương tự.
Mặc dù cho rằng bản thân vẫn khỏe, nhưng cơn run rẩy của bà Merkel dấy lên câu hỏi của cộng đồng quốc tế về sức khỏe của người đứng đầu đất nước có nền kinh tế mạnh nhất liên minh Châu Âu.
Bà Merkel lên nắm quyền từ năm 2005 và không có tiền sử bệnh nghiêm trọng. Văn phòng thủ tướng chưa đưa ra lời giải cho nguyên nhân gây nên cơn run, dẫn đến nhiều suy đoán từ truyền thông Đức.
Jingduan Yang, giáo sư y khoa tại Đại học Arizona nói với tờ Đại Kỷ Nguyên rằng cơn run có thể là biểu hiện của bệnh động kinh rung giật. Đối với người trẻ mắc chứng bệnh này, nguyên nhân thường là do gen và bệnh có thể tự khỏi hoặc được kiểm soát bằng thuốc. Đối với người lớn tuổi thì còn có thêm các nguyên nhân khác.
Theo giáo sư Yang, Tây Y cho rằng có 5 nhóm nguyên nhân lớn gây nên động kinh giật cơ bao gồm tổn thương cấu trúc não, nhiễm khuẩn, tắc nghẽn tuần hoàn não, thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng hoặc bệnh tự miễn.
Duy trì sự cân bằng
Từ góc nhìn của Đông Y, giáo sư Yang cho rằng nguyên nhân bệnh tật nằm ở sự mất cân bằng âm dương: “Khi bệnh nhân có cơn động kinh…điều này có nghĩa là dương thịnh, âm suy và mất cân bằng âm dương”.
Giáo sư Yang cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giấc ngủ đối với cân bằng âm dương: “Từ 11h tối đến 3h sáng, khoảng thời gian này là lúc gan mật cần được nghỉ ngơi hồi phục để hoạt động tốt vào ngày hôm sau. Nếu không để cơ thể nghỉ ngơi trong 4 tiếng này có thể ‘gây tổn thương nghiêm trọng đến chức năng nội tạng'”.
Trước đó, Bà Merkel đã từng đùa rằng bà “ngủ ít tựa như lạc đà không cần nhiều nước”, có thể thức trong vài ngày liền và ngủ bù vào cuối tuần.
Giáo sư Yang cũng cho biết những lời giải thích của bà Merkel như mất nước, căng thẳng tâm lý không đủ để giải thích cho cơn run. Các yếu tố bên ngoài như mất nước và căng thẳng có thể gây động kinh, nhưng “đa phần là yếu tố thúc đẩy mà không phải nguyên nhân căn bản”.
Bà Merkel cho biết vào hồi tháng 10 năm ngoái rằng sẽ không tái tranh cử sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ tư của mình vào năm 2021.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh