Đó là một ngày thứ bảy bên chân núi Himalaya, bác sĩ Lotay Tshering vừa hoàn thành ca phẫu thuật phục hồi bàng quang cho bệnh nhân tại bệnh viện Jigme Dorji Wangchuck National Referral Hospital. Tuy nhiên đây không phải là nghề chính của ông, trong cùng một tuần ông đảm nhiệm cả hai chức vụ, vừa làm thủ tướng đương nhiệm vừa làm bác sĩ phẫu thuật.
Ca mổ kéo dài 5 tiếng của thủ tướng
Người đàn ông 40 tuổi tên Bumthap, vừa trải qua ca phẫu thuật bàng quang kéo dài 5 tiếng cho biết, ông rất hài lòng với kết quả ca mổ. Ông chia sẻ: “Giờ thì tôi đã được thủ tướng phẫu thuật cho, người được cho là một trong những bác sĩ giỏi nhất nước, tôi đã thấy nhẹ nhõm hơn”. Giống như nhiều người Bhutan, được thủ tướng khám bệnh và trực tiếp điều trị cho thực sự là một đặc ân với người dân đất nước này.
Cách giảm stress ‘kỳ lạ’ của thủ tướng Bhutan
Theo trang tin tổng hợp toàn cầu, cứ tới ngày thứ bảy, tại khoa khám bệnh của bệnh viện Jigme Dorji Wangchuck National Referral Hospital quốc gia Bhutan lại xuất hiện một bác sĩ khá đặc biệt. Ông bận rộn thăm khám và thực hiện các ca phẫu thuật cho bệnh nhân, nhưng đây lại không phải ‘nghề chính’ của ông.
Vào năm 2013, trước khi tham dự vào diễn đàn chính trị, thủ tướng Lotay Tshering 50 tuổi vốn là bác sĩ khoa tiết niệu của bệnh viện. Sau khi đắc nhiệm chức thủ tướng, ông vẫn đều đặn tới bệnh viện thăm khám vào các ngày thứ bảy.
Với đại đa số thủ tướng hay các nguyên thủ quốc gia khác, chỉ công việc điều hành đất nước cũng đã đủ vất vả. Bởi thế, một thủ tướng đương nhiệm kiêm thêm chức trách bác sĩ phẫu thuật là chuyện rất hy hữu. Chuyện này có lẽ sẽ làm người dân ở nhiều quốc gia cảm thấy kỳ lạ, nhưng với người dân Bhutan thì hoàn toàn quen thuộc và rất đỗi bình thường.
Vì quá thân thuộc với hình ảnh ông Tshering mặc áo blouse trắng bận rộn chạy qua lại giữa các khu hành lang đông người của viện, nên không ai còn thấy ngạc nhiên với sự xuất hiện của ngài. Y tá và nhân viên bệnh viện vẫn tiếp tục việc ai nấy làm, và vị bác sĩ đặc biệt ấy cũng ‘tự nhiên’ với trách nhiệm của một bác sĩ phẫu thuật ở đây.
Thủ tướng Tshering từng được đào tạo nghề y tại Bangladesh, Nhật Bản, Úc và Mỹ. Ông là bác sĩ được đánh giá cao trước khi bắt đầu sự nghiệp chính trị năm 2013. Nhưng trong cuộc bầu cử năm đó, đảng của ông đã không giành thắng lợi. Chính trị gia này đắc cử thủ tướng của quốc gia có 750.000 dân vào tháng 11 năm ngoái, trong cuộc bầu cử dân chủ mới được tổ chức lần thứ 3 kể từ khi chấm dứt chế độ quân chủ năm 2008. Và nay, trên cương vị thủ tướng Bhutan, ông dành nguyên các ngày thứ bảy hằng tuần điều trị các bệnh nhân được chuyển tới cho ông, và các sáng thứ năm thuyết trình về kiến thức y khoa cho các học viên và bác sĩ. Chủ nhật là thời gian ông dành riêng cho gia đình.
Tại văn phòng của mình, phía sau ghế ngồi của ông tại đây có treo một chiếc áo blouse trắng. Theo chia sẻ của ông, đó là lời nhắc nhớ về lời hứa trước người dân khi ông tranh cử sẽ tập trung chăm sóc sức khỏe cho họ. Mặc dù tại đất nước bên cạnh dãy Himalaya này, người bệnh không phải trả tiền trực tiếp cho chi phí chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, theo ông Tshering, vẫn còn rất nhiều việc cần thiết khác phải làm.
Hằng ngày, vị bác sĩ đặc biệt ấy đều tự lái xe hơi đi làm và không dùng tài xế riêng. Có vẻ như tận sâu trong đáy lòng, thủ tướng Tshering mê công việc ở bệnh viện hơn ở văn phòng thủ tướng. Bởi như chính ông chia sẻ với Đài Channel News Asia: “Cứ mỗi khi lái xe đi làm trong tuần, tôi cứ ước giá như mình có thể rẽ trái để đi về hướng bệnh viện”.
Bác sĩ Tshering chia sẻ, làm chính trị cũng rất giống với công việc bác sĩ. “Lúc ở viện, tôi khám và điều trị cho các bệnh nhân. Trong chính phủ, tôi kiểm tra các chính sách có được ‘khỏe mạnh’ hay không và từ đó cố gắng cải thiện làm cho tốt hơn. Tôi sẽ tiếp tục làm việc này tới khi qua đời và sẽ nhớ nếu không thể ở đây mỗi ngày”.
Vị thủ tướng đặc biệt này chia sẻ, “Một số người thích chơi golf, một số chọn bắn cung, còn tôi thích phẫu thuật vào những ngày cuối tuần. Với tôi, đó là một cách giảm stress”.
Quốc gia hạnh phúc nhất châu Á
Trên rất nhiều phương diện, Bhutan thực sự là một mô hình quốc gia vô cùng đặc sắc, thú vị. Vương quốc Phật giáo này tự đặt ra mục tiêu hướng đến là những tiêu chí về hạnh phúc thay vì tăng trưởng kinh tế. Hiến pháp nước này ghi rõ phải đảm bảo 60% diện tích đất nước còn rừng. Đây cũng là quốc gia có doanh thu lớn từ du lịch sinh thái và theo Hãng tin AFP, họ thu phí mỗi ngày lên tới 250 USD/khách trong mùa du lịch cao điểm.
Thủ đô Thimphu không có đèn giao thông, thuốc lá bị cấm bán và truyền hình chỉ được phép hoạt động từ năm 1999. Việc sát sinh các loài vật bị cấm tại đây. Bhutan cũng là nước thường xuyên được xếp hạng là quốc gia hạnh phúc nhất châu Á.
Kiên Định
Nguồn tham khảo: tw.news.yahoo.com, tuoitre.