Đại Kỷ Nguyên

Chuyện thật khó tin: Liệt chân, liệt đầu vì muỗi đốt

Có lẽ cũng không quá cường điệu khi nhiều người xếp muỗi vào loài nguy hiểm nhất trên Trái Đất. Chúng là thủ phạm khiến bạn sốt rét, sốt viêm não, sốt vàng da… thậm chí là liệt chân, liệt đầu.

Muỗi đốt liệt chân

Nguồn tin từ CNN cho hay, anh chàng Nicholas Cornelius ở Arizona (Mỹ) đã phải nhập viện điều trị chăm sóc tích cực do muỗi đốt. Anh Cornelius có các triệu chứng ban đầu giống như cảm cúm thông thường, nhưng sau đó chân trái dần dần mất cảm giác, cơ bắp suy yếu và rồi bị liệt hoàn toàn.

Nicholas Cornelius bị muỗi đốt liệt chân (Ảnh: qua VNE)

Các bác sĩ chẩn đoán Cornelius bị nhiễm virus West Nile từ muỗi truyền dẫn đến liệt chân. Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), virus này lần đầu được tìm thấy ở Uganda vào năm 1937. Nó có thể gây ra liệt cấp tính. Nghiêm trọng hơn, virus West Nile còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh, đe dọa đến tính mạng.

Loại virus này có khả năng lây lan từ gia cầm sang người thông qua con đường phổ biến nhất là muỗi đốt. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), khoảng 80% người nhiễm virus West Nile không có triệu chứng đầy đủ. Mọi người cần cảnh giác khi thấy sốt, nhức đầu, đau nhức cơ thể, ói mửa, buồn nôn và đôi khi bị sưng tuyến bạch huyết. Các triệu chứng này có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.

Liệt đầu vì muỗi đốt

Natasha Porter sau khi bị muỗi đốt đã dẫn đến tê liệt tạm thời. (Ảnh: Foxnews)

Câu chuyện muỗi đốt liệt đầu xảy ra với Natasah Porter. Trong khi đang đi du lịch tại Úc, cô gái người Anh 23 tuổi này đã bị muỗi đốt dẫn đến tê liệt tạm thời từ cổ trở xuống. Cô phải ngồi xe lăn trong bốn tháng, sau đó mới trở lại bình thường. Mới đây, các bác sĩ đã xác định Natasha Porter mắc hội chứng Guillain-Barré, theo Foxnews.

Tại sao muỗi đốt bạn mà không phải người bên cạnh?

Có sự nhầm lẫn nào khi muỗi cứ nhất quyết săn đuổi đôi chân của bạn mà bỏ qua mấy người kế bên? Các nhà khoa học cho rằng cứ 5 người thì có một người là mục tiêu đặc biệt ngon miệng của những kẻ hút máu bé nhỏ này. Muỗi có thể đánh mùi và lên kế hoạch tấn công cách xa con mồi từ 45m, chúng không nhầm lẫn chút nào. Những con đực không mấy ấn tượng với máu người, nhưng con cái thì khác, chúng thèm khát protein và sắt trong máu của chúng ta để sản xuất trứng.

Muỗi thích mùi mồ hôi lên men và rất nhạy với chuyển động, nhiệt độ (Ảnh: Internet)

Mỗi người có cả nghìn tỷ vi khuẩn trên da, và chúng tạo ra mùi đặc trưng cho cơ thể. Nhìn chung thì mỗi người có một quần thể (hệ) vi khuẩn khác nhau, chúng sẽ sản sinh ra các loại chất khác nhau trong quá trình sinh sôi nảy nở, do đó khiến mỗi người mang mùi đặc trưng riêng. Muỗi nhận ra sự khác biệt này thông qua các chất hóa học tiết ra trên cơ thể. Một nghiên cứu vào năm 2000 đã xác định được rằng mùi từ bàn tay con người có đến 227 chất hấp kích thích muỗi kéo đến. Bọn muỗi rất yêu thích axit lactic, ammoniac, axit cacbonxylic, và octenol (có trong hơi thở con người và mồ hôi), nhất là cacbon dioxit. Bạn càng tỏa ra nhiều những chất đó, thì có khả năng muỗi kéo đến “viếng thăm” bạn càng đông.

Thêm vào đó, muỗi cũng nhạy với chuyển động và nhiệt độ cao. Vì thế, nếu bạn đang tập thể dục ngoài trời vào một chiều hè ấm áp, bạn sẽ là mục tiêu hoàn hảo – đặc biệt nếu bạn đang thở gấp!

Muỗi thích mùi mồi hôi đã cũ hơn là mồ hôi mới, nếu bạn có dính mồ hôi và đã có mùi thời gian (mồ hôi đã lên men), chúng sẽ đuổi theo bu kín bạn. Đôi tất cũ bốc mùi, chiếc áo đã mặc mà chưa kịp gặt là vật dụng có khả năng thu hút muỗi rất tốt.

Làm thế nào để tránh muỗi đốt?

Thời tiết nóng dần lên cộng với mưa ẩm là thời điểm thuận lợi cho muỗi sinh sôi.

Thời tiết nóng ẩm là rất thuận lợi cho muỗi phát triển (Ảnh: Internet)

Đương nhiên, cách tốt nhất để tránh bị muỗi đốt là ngăn ngừa sự tiếp xúc với chúng ngay từ đầu. Hiệp hội Kiểm soát Muỗi Hoa Kỳ (AMCA) đề xuất giải pháp 3D như sau:

Rút nước (Drain) – Muỗi cần nước để sinh sản, vì vậy hãy cẩn thận rút hết các nguồn nước để ngăn ngừa sự ứ đọng nước quanh nhà và sân nhà bạn, bao gồm cả bát uống nước cho vật nuôi, rãnh nước quanh nhà, thùng rác và đồ tái chế, bụi cây ẩm ướt, lốp xe dự phòng, máng tắm cho chim…

Trang phục (Dress) – Mặc những quần áo sáng màu, độ rộng vừa phải – như áo sơ mi dài tay và quần dài, đội mũ và mang tất.

Bảo vệ (Defend) – Hãy sử dụng thuốc chống côn trùng có bán trên thị trường, tuy nhiên nên tránh các thuốc bôi và xịt hóa chất. Hãy thử những loại được chế từ nguyên liệu thiên nhiên, các loại tinh dầu, tinh dầu lá quế, tinh dầu sả, dầu Catnip

Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian, trồng một số loại cây quanh nhà cũng có thể giúp bạn ngăn cản muỗi kéo đến nhà, ví dụ cây sả, cúc vạn thọ, cây ngũ gia bì, cây hương thảo, cây bạc hà.

Minh Thành

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version