Cây ngải cứu có tên khoa học là Artemisia vulgaris, được trồng ở nhiều nước châu Á, Bắc Mỹ và Bắc Âu. Từ xa xưa, dân gian đã sử dụng ngải cứu như một vị thuốc, vừa làm món ăn bồi bổ sức khỏe vừa là vị thuốc giúp trị nhiều bệnh khác nhau.
Cổ sự về ngải cứu
Theo một số tài liệu, tên “ngải cứu” có nghĩa là “cứu vãn tình nghĩa “, nó gắn liền với một câu chuyện cổ, trong đó ngải cứu tham gia giải nguy cho mối tình của cô gái Kim Tuyến và chàng kỵ sĩ…
Chuyện kể rằng, ngày xưa, ở vùng Nội Mông (Trung Quốc), có cô gái dáng hình thắt đáy lưng ong, nhan sắc kiêu sa, tên là Kim Tuyến. Ở độ tuổi 20, nàng đã kết duyên cùng một chàng kỵ sĩ. Một hôm, nhân buổi du xuân, có vị đại thần nhác trông thấy Kim Tuyến đã sinh lòng muốn chiếm đoạt và tìm cách sát hại kỵ sĩ. Ông ta bèn vu cho chàng kỵ sĩ là đã bắn chết con ngựa của mình, nếu muốn được tha tội, chàng phải nộp cho quan một đoạn dây thừng bện bằng tro cỏ, bằng không, sẽ bị đầy biệt xứ…!
Hiểu được tâm địa của vị quan, Kim Tuyến ra vườn nhổ những cây thuốc già, héo khô về bện thành đoạn thừng, đặt lên chiếc mâm đồng, rồi đốt cháy dần thành tro đem cho chồng bê “mâm thừng” đến nộp cho quan. Thoạt trông thấy, quan phủ ngớ người nhìn mà không nói năng gì! Thấy được tài trí của đôi vợ chồng này, viên quan đành tuyên bố tha tội cho chàng kỵ sĩ, và từ bỏ ý muốn chiếm đoạt Kim Tuyến.
Vậy là loại cây thuốc trồng ở vườn kia đã cứu vãn sự cách chia tình nghĩa vợ chồng. Dân làng biết chuyện, gọi cây ấy là cây “ngải cứu”. Từ đó, người ta còn phát hiện ra nhiều công dụng của ngải cứu với mùi hương thơm nồng, hăng hắc không lẫn vào đâu được.
Vị thuốc của mọi nhà
Theo y học cổ truyền, ngải cứu có vị đắng, mùi thơm, tính ấm. Người dân sử dụng rễ của ngải cứu như một vị thuốc bổ để bồi dưỡng thân thể, điều hòa khí huyết. Các phần còn lại cũng được dùng làm thuốc trị bệnh dạ dày, bệnh đường ruột, tiêu chảy, đầy hơi, tiêu hóa kém, nhiễm ký sinh trùng, ghẻ lở, viêm da, dị ứng, đau bụng do lạnh, bị nôn mửa…
Ngải cứu còn kích thích tiết dịch vị tiêu hóa từ mật, có thể giải độc cho gan, kích thích tuần hoàn máu. Nhiều chứng bệnh ở phụ nữa cũng có thể dùng ngải cứu để trị: kinh nguyệt không đều, điều hòa khí huyết, ôn kinh, an thai.
Một số món ăn và bài thuốc từ ngải cứu
Ngải cứu được sử dụng như một loại rau trong gia đình. Có thể chế biến ngải cứu thành món canh ngải cứu nấu với thịt nạc băm nhỏ, rán ngải cứu với trứng, gà tần ngải cứu, ngải cứu xào, ngải cứu luộc, hoặc dùng trong món lẩu thập cẩm, món cháo gà ngải cứu… Các món ăn ngải cứu giúp bồi bổ sức khỏe, chóng phục hồi sinh lực, có thể dùng cho cả người lớn và trẻ em.
Ngoài ra, có ngải cứu còn phơi khô trong râm mát, tán nhỏ rây lấy phần lông trắng và tơi gọi là ngải nhung dùng để kích thích huyệt trong châm cứu. Ngải cứu có tính ôn, hơi cay, thường được chị em ưa dùng để điều trị đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, động thai, thổ huyết, đau dây thần kinh, thấp khớp…
1. Điều hòa kinh nguyệt
Một tuần trước ngày kinh dự kiến, mỗi ngày lấy 6-12g (tối đa 20g) sắc với nước hoặc hãm với nước sôi như trà, chia làm 3 lần uống trong ngày. Có thể uống dưới dạng bột (5-10g) hay dạng cao đặc (1 – 4g).
2. Sơ cứu vết thương
Lấy lá ngải cứu tươi giã nát, thêm 1/3 muỗng cà phê muối đắp lên vết thương, cầm máu nhanh, giảm đau nhức.
3. Trị mụn, mẩn ngứa
Lá ngải cứu tươi giã nát, đắp lên mặt, để khoảng 20 phút, rồi rửa lại mặt, làm liên tục như vậy sẽ có làn da trắng sáng hồng. Với trẻ em thường hay bị rôm sảy thì lấy lá ngải cứu xay nát rồi lọc lấy nước cho trẻ tắm.
4. Đau thần kinh tọa, nhức buốt khớp xương, đau đầu hoa mắt
Lấy 300g ngải cứu rửa sạch, giã nát, thêm 2 muỗng mật ong (ruồi, nghệ), vắt lấy nước uống trưa, chiều. Uống liên tục trong 1-2 tuần.
5. Suy nhược cơ thể, kém ăn
Lấy 250g ngải cứu, 2 quả lê, 20g câu kỷ tử, 10g đinh quy, 1 con gà ri (gà ác) 150g, hầm trong 0,5 lít nước (thêm gia vị, bột nêm) còn 250ml. Chia làm 5 phần, ăn cả ngày. Liên tục 1-2 tuần.
6. Cảm cúm, ho, đau cổ họng, đau đầu, đau dây thần kinh
Lấy 300g ngải cứu, 100g lá khuynh diệp, 100g lá bưởi (hoặc quýt, chanh). Nấu trong 2 lít nước. Sôi 20 phút nhấc xuống, xông 15 phút. Cách thứ 2: Nấu lá thuốc cứu với 100gr lá tía tô, 100gr tần dầy lá, 50gr lá sả trong 1 lít nước còn 0,5 lít. Uống mỗi lúc khát, liên tục trong 3-5 ngày.
Ngải cứu có thể được dùng như rau, như thuốc tốt cho sức khỏe nhưng cũng không nên dùng quá nhiều vì ngải cứu cũng có thể gây ngộ độc.
Minh Thành tổng hợp