Đại Kỷ Nguyên

Công nghệ và 10 tác hại ‘thập diện mai phục’ lên sức khoẻ bạn

Công nghệ mang lại nhiều ứng dụng và thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã cảnh báo việc lạm dụng chúng có thể mang lại rất nhiều “tác dụng phụ” tiêu cực, điển hình là 10 điều dưới đây!

Thủ phạm gây rối loạn giấc ngủ, mất ngủ

Công việc thời nay khiến bạn thường xuyên phải “dán mắt” vào màn hình, hết máy tính thì đến điện thoại. Đến lúc ở nhà vẫn còn hai thứ đó, cộng thêm cái TV, tính ra thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử gần như là chiếm đa số.

Trong một nghiên cứu do tác giả là Fossum (Na Uy) đứng đầu cho thấy, ánh sáng xanh phát ra từ màn hình các thiết bị điện tử ức chế sản xuất melatonin, một hooc-môn quan trọng giúp cơ thể bạn biết khi nào là ban đêm và khi nào cảm thấy buồn ngủ.

Ở những người chơi game trên máy tính, lướt web, đọc sách trên các thiết bị điện tử sẽ xuất hiện các triệu chứng rối loạn giấc ngủ nhiều hơn bình thường.

Mất ngủ gây nên nhiều hệ quả tâm sinh lý đặc biệt nghiêm trọng, để tránh hiện tượng này, các chuyên gia khuyên nên hạn chế xem tivi, dùng máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh vào ban đêm, đặc biệt là trước khi đi ngủ.

Suy giảm thị giác, mỏi mắt, hại mắt

Bạn hẳn đã từng thấy mỏi mắt, mắt nhòe đi, khô rát khi phải làm việc nhiều giờ trước máy tính hay dùng smartphone liên tục, kèm theo đó là nhức đầu, mỏi vai gáy. Đó là những triệu chứng điển hình của Hội chứng về thị giác do sử dụng máy tính (computer vision syndrome – CVS), xảy ra ở những người thường xuyên tiếp xúc với màn hình máy vi tính, smartphone v.v. Tại Mỹ, khoảng 3/4 dân số bị tác động của hội chứng này.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng CVS, trong đó chủ yếu là do số lần chớp mắt giảm đi khoảng một nửa so với bình thường, làm mắt trở nên khô và dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do ánh sáng chói từ màn hình và ánh sáng từ nguồn khác phản xạ qua màn hình lên mắt.

Để phòng tránh hội chứng CVS, các chuyên gia khuyên chúng ta nên để ý chớp mắt thường xuyên cho mắt khỏi khô. Sau mỗi 30 phút khi tiếp xúc với màn hình thì cần cho mắt nghỉ: nhìn vào vật nào đó ở xa hoặc nhắm mắt nghỉ ngơi, nghe nhạc thư giãn. Không điều chỉnh độ sáng quá mạnh, tránh để nguồn sáng khác phản chiếu lên màn hình, để màn hình cách mắt tối thiểu 50-60cm, và dưới tầm mắt 10 – 20 độ.

Các nghiên cứu cũng cho thấy ánh sáng xanh làm tổn thương võng mạc, dẫn đến thoái hóa điểm vàng, một nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu hiện nay.

Tổn thương cột sống

Khi sử dụng máy tính, smartphone, vị trí của đầu thường cúi về phía trước. Do đó, nhìn liên tục vào màn hình smartphone trong ngày có thể khiến cột sống bạn bị tổn thương. Một nghiên cứu do một bác sĩ phẫu thuật cột sống Kenneth Hansraj tại New York đã phát hiện, khi bạn cúi đầu nghiêng 60 độ để nhìn vào smartphone, bạn đang đặt một lực tương đương khối nặng 27 kg lên cổ mình. Trước đó nghiên cứu cũng đã cho thấy ngồi trước màn hình máy tính cả ngày gây ảnh hưởng tiêu cực lên cột sống.

Tư thế xem smartphone để lại gánh nặng cho cột sống (Ảnh: Sưu tầm)

Các chuyên gia khuyên bạn nên chú ý đến tư thế của đầu khi dùng smartphone.

Tăng nguy cơ gây ung thư

Thời đại công nghệ bùng nổ, điện thoại trở thành vật bất ly thân cả ngày lẫn đêm đối với nhiều người. Tuy nhiên, thời gian bạn ở cạnh điện thoại càng dài thì các nguy cơ sức khỏe càng lớn.

Từ lâu, người ta đã nghi ngờ rằng các bức xạ phát ra từ điện thoại có thể gây u não, ung thư cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác nếu tiếp xúc gần trong một thời gian dài.

Mặc dù chưa có kết luận cuối cùng về những đồ điện tử mang theo bên người, tuy nhiên, qua một số nghiên cứu chúng ta có quyền đặt ra một số câu hỏi nhất định.

Một trong số những kết quả mới nhất và uy tín nhất đến từ Cơ quan nghiên cứu quốc tế về Ung thư thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bao gồm 31 nhà khoa học từ 14 quốc gia, kết luận rằng điện thoại “có thể gây ung thư” và xếp chúng vào nhóm 2B, cùng nhóm với thuốc trừ sâu DDT, chì v.v.

Đồng thời các khoa học còn kết luận rằng lướt web hay nhắn tin không nguy hại bằng gọi điện thoại vì khi đó điện thoại tiếp xúc gần với đầu hơn. Vì lẽ đó mọi người nên tránh để điện thoại tiếp xúc gần với đầu.

Mặc dù mức độ nguy hại của điện thoại cũng như các thiết bị công nghệ mang bên mình như thế nào vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi, thì hầu hết các nhà nghiên cứu đồng ý rằng trẻ em nên thận trọng khi sử dụng điện thoại.

Trao đổi với tờ NewYork Times, tiến sĩ Hardell cho biết xương sọ trẻ em mỏng hơn và nhỏ hơn so với người lớn, do đó mô não của trẻ tiếp xúc nhiều hơn với một số loại bức xạ nhất định, đặc biệt là các loại bức xạ phát ra từ điện thoại.

Trẻ em và thai nhi đang trong thời kỳ phát triển nên tốc độ phân bào nhanh, do đó ADN của chúng rất dễ bị tổn thương, dẫn đến nguy cơ mắc ung thư cao hơn so với người trưởng thành. Đồng thời chúng cũng có thời gian tiếp xúc trong đời dài hơn bất kỳ thế hệ nào trước đó.

Trong bối cảnh chưa có kết luận rõ ràng và cuối cùng về tác hại điện thoại và song wifi, tiến sĩ Devra Davis, chủ tịch của Environmental Health Trust cho biết: “Con và cháu chúng ta đang bị thí nghiệm như chuột trong phòng nghiên cứu”.

Trẻ em nên hạn chế tiếp xúc với điện thoại, đặc biệt là hạn chế thời gian gọi điện thoại, tắt nguồn khi đi ngủ và không để điện thoai dưới gối, sát đầu. Các bác sĩ cũng cảnh báo những bà mẹ mang thai nên cực kỳ cẩn thận với các loại công nghệ này.

Đối với người trưởng thành lưu tâm đến vấn đề này thì cũng không nên để điện thoại gần đầu trong thời gian dài, nên sử dụng tai nghe khi gọi điện thoại, và đặc biệt không để con mình dùng tiếp xúc với điện thoại trong thời gian dài.

Suy giảm số lượng chất lượng tinh trùng, tăng nguy cơ vô sinh

Tỉ lệ vô sinh đang ngày một gia tăng và đang trở thành mối lo ngại đối với các quý ông, mà nguyên nhân có phần từ các thiết bị kỹ thuật số.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bức xạ phát ra từ điện thoại có thể ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng, khả năng di động của tinh trùng.

Theo các chuyên gia, có mối liên hệ trực tiếp giữa thời gian sử dụng điện thoại và sự suy giảm số lượng tinh trùng. Số lượng tinh trùng giảm đi một nửa ở nam giới để điện thoại trong túi quần 4 tiếng mỗi ngày. ADN của ti thể tinh trùng cũng bị tổn thương gấp 3 lần nếu tiếp xúc với bức xạ điện thoại di động.

Do vậy, quý ông, xin đừng tiếp tục bỏ điện thoại trong túi quần nữa.

Thiếu kỹ năng giao tiếp xã hội

Xu hướng sử dụng mạng xã hội và các phương tiện điện tử cá nhân đang khiến mọi người ít có cơ hội mặt trực tiếp hơn, do đó dẫn đến thiếu các kỹ năng xã hội cần thiết.

Thậm chí, ngay cả khi bạn có thể quây quần tại một chỗ với người thân, thì cảnh mỗi người ôm một cái điện thoại và “chúi mũi” vào những tiện ích trong đó là rất phổ biến. Công nghệ sinh ra để con người dễ giao tiếp và rút ngắn khoảng cách lại, nhưng ngày nay, khi người ta ở cạnh nhau, thì lại không còn giao tiếp với nhau nữa. Mọi tâm huyết dồn lại cho chiếc “dế yêu”, tuy chúng ta ở sát bên nhau, nhưng tâm trí đều trao cho điện thoại giữ!

Cảm thấy cô đơn mặc dù ‘kết nối’ nhiều

Khi buồn buồn, người ta dễ lên mạng kiếm thứ gì đó để giải khuây. Vì để lôi cuốn người dùng, cuộc sống trong thế giới ảo thường có nhiều cung bậc cảm xúc hơn trong đời thực. Do đó người quen lướt web lại thấy hứng thú với những thứ đó hơn là thực tế xung quanh.

Ảnh: Jean Jullien

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện rằng những trang mạng xã hội phổ biến có thể khiến người dùng cảm thấy cô đơn, và những người cô đơn thường vào facebook thường xuyên hơn. Như vậy, mặc dù bạn có thể ‘kết nối’ với cả thế giới từ bất cứ xó xỉnh nào, nhưng hãy cẩn thận vì nó cũng giảm hạnh phúc và sự thỏa mãn.

Gây nghiện công nghệ

Đây là một vấn đề nổi cộm mà nhiều người có thể chưa nhận ra và coi nó như một thói quen: nghiện công nghệ. Theo một nghiên cứu năm 2012, có đến 66% số người cảm thấy sợ hãi, hoang mang khi không có điện thoại bên mình. Nghiên cứu từ trường Đại học Swansea và Milan cũng phát hiện thấy, khi không được lướt mạng, những người thường dùng Internet nhiều có triệu chứng cai nghiện giống hệt như những người nghiện thuốc.

Cũng như thuốc phiện cùng nhiều thứ gây nghiện khác, công nghệ sẽ bòn rút đi sức khỏe và tinh thần của “con nghiện”.

Lãng phí thời gian

Có lẽ không cần đến khoa học chứng minh, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra điều này. Công nghệ có thể chiếm dụng thời gian hữu ích của bạn, đôi khi bạn lướt web, lướt trong vô thức mà không có mục đích. Đó hẳn là một thói quen xấu, khoảng thời gian đó bạn có thể dành cho nhiều việc ý nghĩa hơn.

Từ khi có smartphone, đã bao giờ bạn thấy thời gian trong một ngày là đủ? Đã bao giờ bạn thấy mệt mỏi, căng thẳng không rõ nguyên nhân? Phải chăng bạn cần một khoảng thời gian để tách mình khỏi công nghệ, không facebook, không internet, và quay lại với thiên nhiên đã bầu bạn với con người từ rất lâu rất lâu rồi, để tĩnh tâm lại và suy nghĩ về những gì mình sự việc, chứ không phải là để nó cuốn bạn đi?

Lối sống ít vận động

Tivi, máy tính, smartphone đang khiến mọi người ít vận động hơn. Năm 2002, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra một tuyên bố rằng thiếu hoạt động thể chất là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh và tàn tật. Ngồi cả ngày rõ ràng khiến bạn dễ trở nên béo phì, một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, ung thư, lo âu, trầm cảm.

Nhận thức của con người không phải luôn bất biến, và cũng không phải luôn đúng. Ví dụ, ngày nay ai cũng hiểu thuốc lá là có hại, nhưng vào năm 1946, một chiến dịch quảng cáo xuất hiện trên các tạp chí với hình ảnh một vị bác sĩ trung niên bận áo blouse đang cầm điếu thuốc lá trên tay, bên cạnh là câu slogan: “Nhiều bác sĩ hút thuốc Camel hơn bất kỳ loại thuốc nào”.

Các bác sĩ đã từng rất tích cực tham gia quảng cáo cho thuốc lá (Ảnh: Sưu tầm)

Và đến nay, đã có nhiều câu hỏi đặt ra từ phía người tiêu dùng, các nhà nghiên cứu: liệu các đồ công nghệ, đặc biệt là công nghệ mang theo người như máy điện thoại, máy tính bảng v.v. gây nguy hại thế nào cho con người? Đây hẳn không phải là một vấn đề không đơn giản vì con người đã trở nên “nghiện” chúng mất rồi.

Đại Hải tổng hợp

Xem thêm:

Exit mobile version