Chẩn đoán bệnh đúng là nền tảng giúp các bác sĩ điều trị đúng. Định nghĩa về một bệnh do các chuyên gia thiết lập sẽ là kim chỉ nam giúp bác sĩ chẩn đoán. Dù vậy một nghiên cứu cho thấy việc mở rộng định nghĩa bệnh, dẫn đến chẩn đoán quá và điều trị không cần thiết, có thể có mối liên hệ với các công ty dược phẩm.

Chẩn đoán quá ngày một gia tăng

Tăng huyết áp là bệnh quen thuộc đối với nhiều người. Gần đây định nghĩa về bệnh tăng huyết áp đã được mở rộng đáng kể. Kết quả là tại Mỹ, chỉ qua một đêm hàng triệu người được phân loại lại, dẫn đến cứ 2 người thì có 1 người được chẩn đoán là tăng huyết áp.

Ảnh: photo-ac.com

Động thái này nhận được một số phản hồi tích cực, song cũng đem lại nhiều chỉ trích rằng gây lợi bất cập hại đối với nhiều người. Bệnh nhân có thể bị dán nhãn một căn bệnh không cần thiết, dẫn đến dùng thuốc thừa thãi.

Một ví dụ khác là bệnh thận mãn tính được chẩn đoán nhờ đo nồng độ các chất trong máu để ước tính chức năng thận. Do chưa tính đến yếu tố già hóa sinh lý, định nghĩa hiện nay khiến cứ hai người già thì có một người được chẩn đoán mắc bệnh thận mạn tính.

Dù vậy trong số này nhiều người sẽ không bao giờ có triệu chứng bệnh thận. Trên thực tế đã từng có nhiều bài báo lên tiếng về vấn đề này. Một công ty dược lớn đã tài trợ cho hội nghị nơi “căn bệnh” mới được thiết lập với định nghĩa rộng rãi hơn.

Gần đây, cũng đã có những thay đổi về định nghĩa bệnh đái tháo đường thai kỳ, dẫn đến trung bình cứ 5 phụ nữ mang thai thì có một người được chẩn đoán. Nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu các bà mẹ nhận được chẩn đoán mới liệu có được hưởng lợi nhờ mở rộng định nghĩa bệnh.

Bàn tay của công ty dược?

Trong tất cả những ví dụ kể trên, điểm nguy hiểm nằm ở chỗ ngày một nhiều người bị chẩn đoán quá. Chẩn đoán quá nghĩa là người bệnh nhận được chẩn đoán, nhưng điều này có thể không mang đến lợi ích cho họ.

Những người ủng hộ việc mở rộng chẩn đoán cho rằng mở rộng định nghĩa giúp chẩn đoán các bệnh khi còn nhẹ và điều trị sớm. Thế nhưng điều trị bệnh sớm có thể là một con dao hai lưỡi. Đối với một số người, điều trị sớm giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng. Với một số đối tượng khác, chẩn đoán quá và điều trị quá tay lại là không cần thiết và có thể để lại tác dụng phụ do điều trị.

Một ví dụ phổ biến là bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Gần đây các nhà nghiên cứu ước tính hơn 40% ung thư tiền liệt tuyến hiện được phát hiện thông qua test ở nam giới Úc khỏe mạnh, có thể đã bị chẩn đoán quá. Hay nói cách khác, những bệnh “ung thư” này sẽ không gây triệu chứng hay vấn đề gì trong suốt cuộc đời những người đàn ông này, nhưng họ đã được chẩn đoán, và điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị, đi kèm với đó thường là các biến chứng nặng nề.

Ảnh: Nhadautu.vn

Một vài năm trước, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bond, Đức đã tiến hành nghiên cứu về các hội đồng chuyên gia, những người nắm quyền quyết định thay đổi định nghĩa về các bệnh phổ biến, như tăng huyết áp hay trầm cảm. Các nhà nghiên cứu phát hiện 3 điều.

  • Một là khi thực hiện thay đổi, họ thường có xu hướng mở rộng định nghĩa bệnh, dẫn đến nhiều người trước đây coi là khỏe mạnh nay bị dán nhãn là mắc bệnh.
  • Thứ hai, họ dường như không nghiên cứu chặt chẽ mặt tiêu cực của việc mở rộng định nghĩa bệnh.
  • Và thứ ba, những hội đồng này bị chi phối bởi các bác sỹ có nhiều mối liên hệ tài chính với các công ty dược sẽ hưởng lợi nhuận nhờ thị trường mở rộng.

Vấn nạn chẩn đoán quá đang đặt ra nhiều thách thức đối với các cá nhân và những người điều hành hệ thống sức khỏe. WHO là đồng tài trợ của hội nghị phòng ngừa chẩn đoán quá diễn ra tại Sydney, Úc năm nay, nơi các giải pháp sẽ được đưa ra bàn luận.

Xu hướng mở rộng thị trường để kiếm lợi nhuận sẽ là khó tránh khỏi nếu chúng ta coi bệnh tật là thị trường tuân theo các quy luật kinh tế. Như từ ngàn năm nay, từ thời ông tổ Tây y Hippocrate hay các lương y xưa, y đức sẽ luôn là kim chỉ nam, là nền tảng của các hoạt động trong ngành y.

Theo The Conversation
Đại Hải