Người đã mắc COVID-19 có thể hồi phục chức năng phổi bình thường, không để lại nhiều di chứng như người bệnh SARS.
Báo VnExpress đưa tin, Tiến sĩ David Hui Shu, Trưởng khoa Trị liệu Đại học Hồng Kông, hôm 25/4 cho biết đội ngũ bác sĩ tại Bệnh viện Prince of Wales đã theo dõi 10 người sau khi khỏi COVID-19. Tất cả không gặp bất cứ di chứng nào.
“Trong số 70 bệnh nhân tại Bệnh viện Prince of Wales, khoảng một nửa đã hồi phục, 10 người hoàn thành quá trình cách ly theo dõi sau điều trị. Phổi của họ hoạt động bình thường, hô hấp không bị ảnh hưởng”, ông Hui nói.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác, thực hiện cùng bệnh viện hồi tháng 3, chỉ ra rằng từ hai đến ba trong số 12 người đã hồi phục vẫn cảm thấy khó thở khi đi bộ nhanh. Tiến sĩ Hui cho rằng cần tiếp tục theo dõi để có kết luận cuối cùng, song “dường như COVID-19 ít để lại hệ quả sức khỏe lâu dài hơn so với SARS, triệu chứng cũng không nghiêm trọng bằng”.
Trong 1.035 ca nhiễm được ghi nhận trong khu vực, 5% điều trị tại khoa hồi sức tích cực (ICU), 30 người biểu hiện tổn thương kính mờ ở phổi. Hồi dịch SARS, 25% trong số 1.755 bệnh nhân phải vào ICU.
Theo ông, thời gian nằm viện trung bình của người mắc COVID-19 là 17 ngày. Hầu hết có tải lượng virus thấp kể từ ngày thứ 10. Số khác đang chờ kiểm tra sâu hơn, để đảm bảo nCoV đã bị tiêu diệt hoàn toàn.
“Họ vẫn có thể sử dụng điện thoại, tập thể dục trong khu cách ly, nhiều người rất khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng”, ông Hui nói.
Ba đại dịch do chủng mới coronavirus
Theo báo Kinh tế và đô thị, thế giới đã trải qua hai đại dịch về coronavirus vào năm 2002-2003 (Sars: Severe Acute Respiratory Syndrome) và năm 2011 (Mers: Middle East Respiratory Syndrome). Trong cả hai lần này, nguyên nhân gây bệnh đều do chủng mới của coronavirus. Cuối năm 2019, thêm một đại dịch do chủng mới coronavirus, được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) và được đặt tên COVID-19 “the corona virus disease 2019”.
Kể từ lần đầu tiên phát hiện vào cuối năm 2019, số lượng người nhiễm COVID-19 đã lan rộng khắp Trung Quốc và các nước trên toàn thế giới. Có thể chúng ta phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mới hiểu rõ cơ chế bệnh sinh bệnh nguyên cũng như cơ chế miễn dịch của cơ thể để kháng lại loại virus này.
Mặt dù tỷ lệ tử vong do COVID-19 vẫn thấp hơn Sars (9,14%) và Mers (34,4%), nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh với tốc độ lây lan nhanh và nhiều hơn so với Sars (8.096 trường hợp từ năm 2002) Mers (2.494 trường hợp từ năm 2012) khiến đây trở thành dịch bệnh trăm năm có một.
Mức độ lây lan nhanh của dịch COVID-19 có thể do sự lây lan virus ở những người nhiễm virus không có triệu chứng. Hơn thế nữa, theo tính toán của các nhà khoa học, tốc độ lây truyền của virus trong giai đoạn không triệu chứng là 5 – 40%.