Đại Kỷ Nguyên

Củ cải – Vị thuốc cấp cứu ngạt khói thường bị lãng quên

Trí tuệ của người xưa đã giúp tìm ra nhiều phương thuốc đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả. Tiếc rằng khi Tây dược phổ biến, chúng đã dần bị thất truyền hoặc lãng quên, một trong số ấy là cách dùng nước củ cải cấp cứu ngạt khói.

Theo y học hiện đại, củ cải có tác dụng kháng khuẩn, chống nấm, hạ huyết áp.

Theo Đông y, củ cải có thể dùng củ, hạt, hoa để làm thuốc với  nhiều tên gọi khác nhau nhưng phổ biến nhất là Lai phục hoặc La bặc. Lai phục vị cay ngọt, tác dụng hành khí hóa đàm, tiêu thực. Hạt củ cải gọi là Lai phục tử vị cay, ngọt quy kinh phế, tì, có tác dụng trừ đàm, lợi khí. Lai phục chủ trị các chứng chậm tiêu, đầy chướng bụng, ợ chua, ho nhiều đờm, đại tiểu tiện không thông, trị chứng tiêu khát… Ăn nhiều sẽ gây động khí, chỉ có gừng sống mới có thể giải độc.

Ảnh: richelleshop.com

Ngoài ra theo các sách bản thảo, Lai phục còn có thể trị ngạt khói. Sách Tam nguyên tham tán diên thọ thư có câu chuyện kể về một người họ Lý đi tránh nạn chạy vào một động đá bị quân địch hun khói, tình thế rất nguy khốn. Người này nhai củ cải rồi nuốt nước vừa qua cổ họng thì tỉnh táo lại. Sách Bản thảo tân biên cho rằng phương thuốc cấp cứu này ai ai cũng cần biết.

Sách Bản thảo bị yếu cũng viết rằng có người chạy nạn bị khói hun, trong miệng ngậm một miếng củ cải mà khói không thể làm ngạt, nhai củ cải rồi nuốt nước cũng có tác dụng như thế.

Danh y Lý Thời Trân cũng viết rằng uống nước ép củ cải có thể trị hạ lị, mất tiếng và ngạt khói sắp chết.

Củ cải là một thứ rau ăn rất phổ biến ở mọi vùng miền nước ta, tác dụng cứu người bị ngạt khói của củ cải được nhiều sách vở kinh điển Đông y ghi chép lại. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào gần đây chứng minh tác dụng này. Đây có thể mở ra một hướng nghiên cứu mới trong tương lai cho các loại thảo mộc nói chung và củ cải nói riêng.

Thác Chi

Exit mobile version