Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước có hơn 14.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Bình Phước và Cà Mau.
Từ 1-7/4, cả nước ghi nhận hơn 700 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó, số trường hợp nhập viện là 593 trường hợp. So với tuần 12, số ca mắc giảm 15%, so với cùng kỳ năm 2017 (1.381 trường hợp) số mắc giảm 45,2%. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 456 trường hợp mắc sốt xuất huyết, theo Vietnamnet.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng trao đổi với TTXVN cho biết: Hiện không có tỉnh nào ghi nhận số mắc gia tăng đột biến trong 13 tuần đầu năm 2018. Số người mắc sốt xuất huyết có xu hướng giảm trong các tuần gần đây và giảm so với tuần cùng kỳ năm 2017.
Cục Y tế dự phòng dự báo dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới vẫn có thể diễn biến phức tạp, nguy cơ gia tăng số mắc nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống. Nhất là khi miền Bắc chuẩn bị bước vào mùa hè, tạo điều kiện thuận lợi cho vectơ truyền bệnh phát triển mạnh.
Bên cạnh đó, cục cũng chỉ ra nguyên nhân do tình trạng đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng, công ty, nhà máy, nhà trọ, lán trại và khu tập thể cũ không được quan tâm xử lý… tạo nhiều ổ nước đọng sau mưa, phát sinh các ổ bọ gậy khó xử lý, theo Vietnamnet.
Dấu hiệu của sốt xuất huyết
Nếu sốt cao dùng thuốc hạ sốt 2 ngày không đỡ, mọi người nên tới các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Để phòng sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên thực hiện các biện pháp sau nhằm phòng chống bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè:
1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông. Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.
5. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
6. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
7. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã.
8. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.
9. Khi có dấu hiệu bất thường nghi nhiễm bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
H.H