Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động của cơ thể, sản xuất hồng cầu, cấu trúc DNA trong nhân tế bào và duy trì chức năng của hệ thần kinh. Thiếu vitamin B12, cơ thể có thể gặp phải một số triệu chứng như xanh xao vàng da, dị cảm tay chân, mệt mỏi, sưng loét lưỡi …
Vitamin B12 là một loại vitamin tan trong nước và được hấp thu tại ruột non. Thiếu vitamin B12 dẫn đến thiếu máu do thiếu dinh dưỡng khá phổ biến.
Các nguyên nhân thường gặp do thiếu vitamin B12:
- Thiếu nguồn cung cấp từ những loại thức ăn thịt đỏ, cá, trứng, sữa..
- Ruột non của bạn không hấp thu vitamin B12 trong các trường hợp sau phẫu thuật dạ dày, ruột; bệnh đường ruột như bệnh Crohn hoặc bệnh Celiac
- Sán dây cá hấp thu chất dinh dưỡng trong ruột non của bạn, làm bạn bị thiếu hụt nhiều loại vitamin.
- Thiếu hụt yếu tố nội tại. Đây là một protein do dạ dày tiết ra, kết hợp với vitamin B-12 trong dạ dày và đưa nó qua ruột non để được máu hấp thụ. Không có yếu tố nội tại, cơ thể không thể hấp thu vitamin B-12.
Những người có nguy cơ thiếu vitamin B12:
- Người lớn tuổi
- Người đã phẫu thuật cắt ruột non
- Bệnh nhân tiểu đường đang điều trị bằng Metformin
- Người ăn chay
- Người sử dụng thuốc kháng acid lâu dài trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản.
Khi thiếu hụt vitamin B12, cơ thế bạn thường có những dấu hiệu sau:
Da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, da vàng
Những người bị thiếu B12 có làn da xanh xao hoặc có màu vàng nhẹ. Niêm mạc mắt và môi cũng nhợt nhạt.
Vitamin B12 đóng một vai trò thiết yếu trong việc sản xuất DNA cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu. Không có vitamin B12, tế bào không thể phân chia. Các tế bào hồng cầu cứ lớn lên mà không được phân chia, chúng có kích thước to dần, đến nỗi không thoát ra khỏi tủy xương để tham gia vào tuần hoàn vận chuyển oxy nuôi cơ thể. Cơ thể đáp ứng với việc thiếu hụt này bằng cách tăng cường sản xuất hồng cầu hơn nữa. Do đó, số lượng hồng cầu trong tủy xương tăng cao bất thường. Các hồng cầu này có kích thước to và tính chất dễ vỡ, mong manh.
Điều này dẫn đến số lượng hồng cầu trong máu giảm, biểu hiện da xanh xao, niêm mạc thì nhợt nhạt Hồng cầu to, mong manh khi vỡ giải phóng ra bilirubin, làm bilirubin trong máu dư thừa, dẫn đến da vàng, niêm mạc mắt cũng vàng.
Dị cảm, cảm giác châm chích
Vitamin B12 tham gia vào quá trình sản xuất chất béo myelin, có chức năng bao bọc sợi thần kinh và dẫn truyền thần kinh. Cảm giác châm chích tay chân là triệu chứng sớm của tổn thương thần kinh do thiếu hụt vitamin B12. Tuy nhiên, có khoảng 30% người thiếu vitamin B12 không có triệu chứng này.
Mệt mỏi
Mệt mỏi là triệu chứng thường gặp của tình trạng thiếu vitamin B12, dẫn đến thiếu hồng cầu khỏe mạnh vận chuyển oxy cho cơ thể bạn. Các tế bào không được cung cấp oxy đầy đủ nên hoạt động không hiệu quả làm cho bạn có cảm giác yếu otw, mệt mỏi.
Viêm lưỡi và loét họng
Khi cơ thể không được cung cấp đủ vitamin B12, sự tổng hợp DNA trở nên suy yếu, các tế bào biểu mô của miệng bắt đầu phân chia nhanh chóng và gây ra viêm lưỡi, loét miệng.
Các vấn đề về mắt, suy giảm thị lực
Vitamin B12 đóng một vai trò quan trọng trong chức năng thần kinh và hệ thần kinh. Thiếu vitamin B12 trong thời gian dài sẽ làm giảm thị lực hoặc mờ mắt.
Chán ăn, thay đổi vị giác
Nếu bạn nhận thấy những thay đổi về khẩu vị hay thường có cảm giác chán ăn, rất có thể bạn thiếu vitamin B12.
Khó thở
Vitamin B12 góp phần vào việc sản xuất hemoglobin – protein vận chuyển oxy trong máu. Thiếu hụt vitamin B12 có thể làm giảm lưu lượng oxy đến các mô, gây thiếu máu, dẫn đến khó thở và suy nhược. Tuy nhiên, triệu chứng này cũng là biểu hiện của những bệnh lý khác, bạn nên gặp bác sĩ khám để có chẩn đoán chính xác.
Xét nghiệm chẩn đoán thiếu vitamin B12:
- Xét nghiệm số lượng và hình dạng hồng cầu trong máu
- Xét nghiệm nồng độ vitamin B12, folate và vitamin C trong máu. Cần khảo sát cả ba yếu tố vì triệu chứng tướng đối giống nhau khi cơ thể thiếu hụt.
- Xét nghiệm kháng thể kháng yếu tố nội tại.
Điều trị: bạn sẽ được bác sĩ chỉ định bổ sung vitamin B12, và folate, vitamin C nếu cần thiết.
Những thực phẩm giúp bổ sung vitamin B12 hiệu quả:
– Các loại thịt như gà, cừu, lợn, bò, dê…
– Sữa và các chế phẩm của sữa như sữa chua, phô mai, sữa bò…
– Trứng, đặc biệt là lòng đỏ.
– Các loại hải sản như nghêu, sò, cua, hàu, tôm, cá mòi, cá hồi, cá ngừ, cá tuyết…
– Nguồn thuần chay: men dinh dưỡng, sữa dừa bổ sung, hoặc men đậu tương.
Tổng hợp