Bé Măng Thị S. (13 tuổi, Ninh Thuận) bị rắn cắn nhưng gia đình không đưa đến bệnh viện mà nhờ thầy lang trong vùng đắp thuốc. Sau 3 ngày đắp thuốc, bàn chân của bé S. có dấu hiệu mưng mủ, lở loét và lòi xương ra ngoài.
Theo Thanh Niên, bác sĩ Võ Hòa Khánh – Trưởng phòng quản lý chất lượng, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Tp.HCM cho biết, đơn vị đang điều trị cho bé S. chuyển từ bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận tới, do bị rắn cắn.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng tại chỗ bàn chân phải. Đặc biệt gân, da và xương ở mặt mu chân phải của bé bị hoại tử, phần xương lòi ra ngoài.
Trước đó 1 tuần, khi đưa cơm cho bà nội, bé S. bị rắn cắn nhưng lúc đó trời tối, không nhìn rõ loại rắn cắn. Thấy máu chảy nhiều, bé đã tự băng bó và được bà nội dùng miệng cố hút nọc độc ra ngoài. Khi bàn chân bé có dấu hiệu sưng tấy, người mẹ đã đưa tới thầy lang.
Bệnh nhi đắp thuốc nam của thầy lang 3 ngày nhưng vết thương ở bàn chân có dấu hiệu ngày càng trầm trọng nên gia đình đã đưa đi viện khám. Tuy nhiên, sau 3 tuần điều trị, tình trạng của bệnh nhi không thuyên giảm nên gia đình đã chuyển bé vào Tp.HCM để điều trị.
Bác sĩ Khánh cho biết thêm, bệnh nhi sẽ phải trải qua ít nhất 2 cuộc phẫu thuật để chữa trị vết thương ở chân do rắn cắn. Do xương bàn chân bé đã bị viêm, cuộc mổ đầu tiên sẽ làm sạch bằng cách cắt lọc các phần xương, mô bị hư, kết hợp dùng kháng sinh.
Khi xác định mu bàn chân đã sạch vi trùng, thì mới lấy da để che phần xương bị lòi ra ngoài. Hơn nữa, khi phần da đã sống, bé tiếp tục được làm lại gân bàn chân, nếu không sẽ không cử động được.
Dù đã được các bác sĩ cảnh báo hậu quả nghiêm trọng việc đắp thuốc lá khi bị rắn cắn, rất nhiều trường hợp vẫn bỏ ngoài tai dẫn đến phải cắt bỏ tay chân, thậm chí đánh đổi cả tính mạng.
Trường hợp nam bệnh nhân 25 tuổi ở Bình Phước bị rắn cắn đến viện điều trị nhưng bỏ về giữa chừng để tìm thầy lang dẫn tới hoại tử đùi cẳng bàn chân trái, suy đa cơ quan… Các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy Tp.HCM buộc phải cắt bỏ 1/3 phần đùi chân trở xuống, theo Pháp luật Tp.HCM.
Bác sĩ khuyến cáo, khi bị rắn cắn, nên cho nạn nhân nằm yên, trấn an. Đặt vị trí bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc. Rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước, phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng.
Băng thun hoặc vải sạch lên vết thương và phía trên vết thương rồi nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để nơi đây xác định loại rắn cắn và tiêm huyết thanh kháng nọc phù hợp. Đặc biệt, không được nặn, hút và đắp lá cây không rõ loại lên vết thương vì có thể gây hoại tử nhiễm trùng.
Phương Nam