Đau bụng có thể là biểu hiện của nhiều loại bệnh nguy hiểm ở hệ tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, sỏi thận hay ung thư buồng trứng…
1. Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích hay còn gọi là viêm đại tràng co thắt, là bệnh thường gặp trong các bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa. Cơn đau bụng sẽ đi kèm với các triệu chứng khác như buồn nôn, đầy bụng, tiêu chảy và táo bón thường xuyên cùng một vài dấu hiệu ít liên quan tới hoạt động tiêu hóa như đau lưng, mệt mỏi, khó ngủ và đau cơ.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích chưa rõ ràng, song stress là một yếu tố có thể khiến căn bệnh này trầm trọng hơn. Do đó, việc kiểm soát sự lo âu và giải tỏa căng thẳng là rất cần thiết để phòng tránh cũng như cải thiện tình trạng bệnh.
2. Ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 5 trong số các loại ung thư phổ biến nhất. Đau bụng là một trong những biểu hiện sớm của ung thư buồng trứng.
Nguy hiểm hơn, triệu chứng đau bụng vì nguyên nhân này thường dễ bị nhầm lẫn với các rối loạn thông thường nên không được chẩn đoán sớm. Nếu cơn đau bụng xuất hiện thường xuyên cùng với các biểu hiện như chu kỳ kinh nguyệt diễn ra bất thường, thường xuyên bị đầy hơi, cảm giác no sớm khi ăn cần đến bác sĩ để được chẩn đoán ngay lập tức.
3. Bệnh viêm nhiễm ruột, viêm ruột thừa
Viêm ruột là tên gọi chung của một nhóm các triệu chứng viêm mãn tính ở một số phần của ruột. Thành ruột trở nên sưng và dẫn đến viêm loét, gây ra những cơn đau thường xuyên. Các triệu chứng đi kèm với đau bụng là tiêu chảy, sốt, ăn không ngon, thường xuyên cảm thấy đau đầu choáng váng cũng như buồn nôn hoặc bị nôn mửa…
Ngoài viêm nhiễm ruột, đau bụng còn có thể là dấu hiệu của chứng viêm ruột thừa. Chứng viêm ruột thừa thường do nguyên nhân tắc ruột thừa, gây nhiễm trùng khu vực này. Những cơn đau ruột thừa thường xuất hiện đột ngột, vị trí xuất hiện là ở vùng bụng dưới phía bên phải. Nếu bị viêm ruột thừa, cần phải được thực hiện phẫu thuật càng sớm càng tốt.
4. Sỏi thận
Mức độ đau đớn mà sỏi thận gây ra có thể ngang ngửa với cơn đau khi sinh nở. Vị trí cơn đau do sỏi thận thường nằm ở vùng bụng dưới sườn, nghiêng về mặt lưng, ở một hoặc cả hai bên cơ thể, hoặc có thể nằm ở vùng hạ sườn, lan xuống đến phần háng. Các cơn đau này có thể kéo dài âm ỉ trong vài giờ hoặc thời gian lâu hơn.
Nguyên nhân có thể là do các viên sỏi có kích thước lớn bị tắc lại trong đường tiết niệu, gây co bóp, tăng áp lực lên thận và gây đau. Khi đau, người bị sỏi thận có thể còn gặp phải tình trạng buồn nôn, sốt hoặc đi tiểu ra máu.
Lan Phương