Vảy nến là bệnh lý được biết đến từ rất lâu, thế nhưng nguyên nhân cũng như dấu hiệu của nó vẫn còn nhiều điều chưa được làm rõ.
Theo y học cổ truyền, vảy nến còn gọi là tùng bì tiễn, là bệnh ngoài da mạn tính hay tái phát. Thương tổn cơ bản là đỏ da, có vảy nổi cộm ít hoặc nhiều. Nền đỏ này thường có vảy trắng, xám phủ lên trên, cạo hết lớp vảy này mới thấy rõ. Bệnh hay phát vào mùa đông, ở da đầu và mặt ngoài của tay, chân; nặng thì phát ra toàn thân kèm theo sưng đau các khớp tay chân. Đông y nhìn nhận, nguyên nhân bệnh là do huyết nhiệt, cảm phong hàn, lâu ngày làm huyết táo, không bảo đảm đủ dinh dưỡng cho da sinh bệnh.
Sau đây là dấu hiệu nhận biết và nguyên nhân gây bệnh theo Đông y
Dấu hiệu nhận biết vảy nến theo Đông y
Đông y phân vẩy nến ra các thể loại bệnh khác nhau để dễ dàng nhận biết.
Bạch Tiêu Phong (Can Tính Bì Chỉ Dật): Xuất hiện nhiều ở vùng đầu, thường có màu trắng hoặc đục như mỡ, lâu ngày gây nên hói (rụng) tóc.
Phong Nhiệt Sang (Mai Côi Đường Chẩn): Nốt ban chủ yếu ở vùng khô, có hình tròn, hơi trắng bạc, có thể tự khỏi.
Hồ Niệu Thích (Mao Phát Hồng Đường Chẩn): Vết ban phía trên có đầu nhỏ màu trắng đục, không làm trắng da và không rướm máu.
Thể Phong Huyết Nhiệt: Những nốt chấm xuất hiện nhiều, liên tục, lâu ngày to dần, trắng đục, ngứa nhiều, mọc ở tay chân hoặc ở đầu, mặt, râu, gây hoại tử da sau đó có chấm xuất huyết. Kèm ngứa, sốt, họng khô, đau, lưỡi đỏ sẫm, bựa lưỡi hơi vàng.
Thể Phong Huyết Táo (gặp ở thể bệnh kéo dài): Nốt ban chẩn mới xuất hiện nhiều, những nốt cũ hơi đỏ, ngứa, mặt da khô, lưỡi ít tân dịch, rêu lưỡi hơi vàng mà khô.
Thể Phong Hàn: Nhiều vết chấm xuất hiện giống như đồng tiền hoặc từng mảng màu hồng, trên mặt mụn có thể thối nát, phát bệnh quanh năm. Từ mùa đông đến mùa hè thường tự bớt hoặc giảm ẩn đi, lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi trắng nhạt.
Thể Thấp Nhiệt: Nhiều vết chấm xuất hiện giống như nước trong lỗ rỉ ra, xuất hiện ở bên dưới bầu vú, vùng hội âm. Khuỷu tay, hốc mắt, vùng sinh dục, da màu hồng xám, vết chấm thường gom lại thành mảng lớn. Vùng tổn thương chảy nước màu trắng đục, hơi ngứa, miệng khô, không khát, cơ thể nóng, mệt mỏi, lưỡi đỏ sẫm, bựa lưỡi vàng.
Thể Huyết Nhiệt: Bệnh có thể mới phát hoặc tái phát không lâu, vết sần nổi lên như dạng đồng tiền hoặc như bùn. Thường nổi hạt nhỏ như ban chẩn, to nhỏ không đều, màu hồng tươi, mọc nhiều ở tứ chi, có thể mọc ở vùng đầu và mặt trước, bề mặt của vết sần có màu trắng đục, khô, vỡ nát có khi có rướm máu, kèm ngứa, tâm phiền, khát, táo bón, tiểu ít, nước tiểu vàng, lưỡi đỏ sẫm, bựa lưỡi hơi vàng
Thể Huyết Ứ: Vết ban đỏ tối hoặc tím, to nhỏ không đều, bề mặt hơi lõm, khô trắng đục, không bong da, có vết ban nhỏ xuất hiện kèm theo ngứa hoặc không ngứa. Người bệnh miệng khô, không muốn ăn uống, lưỡi đỏ tối hoặc có điểm ứ huyết, rêu lưỡi trắng nhạt hoặc hơi vàng.
Thể Huyết Hư: Cơ thể vốn suy yếu, bệnh kéo dài lâu ngày, da chuyển sang trắng bệch, nhiều vết ban có dạng giống như từng mảng hoặc phát ra toàn thân. Vết ban có màu hồng nhạt ướt hoặc nhạt tối, xuất hiện hiện tượng bong da và có những vết ban mới xuất hiện. Người bệnh ít ngủ, ăn uống kém, lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi ít, ít tân dịch.
Nguyên nhân gây bệnh vảy nến theo Đông y
Nói một cách đơn giản đây là hiện tượng mất cân bằng xảy ra ở nội tạng như thận, gan, tim phổi hay hoạt động của dạ dày, đại tràng …Ban đầu sẽ khiến thận suy yếu, không điều tiết được thủy – hỏa, âm – dương, từ đó dẫn đến nóng gan, không lọc hết được chất độc. Âm dương mất cân bằng làm nội tiết tố trong cơ thể bài tiết một cách thất thường; tim mạch làm việc quá sức rồi suy yếu, khí huyết không được thông suốt làm khả năng hoạt động của lục phủ ngũ tạng bất bình thường.
Những độc tố tích tụ lâu ngày trong cơ thể không đào thải được có thể sẽ khiến tế bào dị thường kết lại thành các khối u, hoặc có thể sẽ phát ra ngoài da thành những bệnh mẩn ngứa, trong đó có bệnh vẩy nến. Theo Đông y, bệnh do 4 nguyên nhân:
– Do ngoại cảm phong tà: Lúc bắt đầu ở bì (da) bị phù, lâu ngày hóa nhiệt gây nên tình trạng dinh vệ bất hòa, khí huyết không thông mà sinh ra bệnh.
– Do thấp nhiệt uất trệ tại cơ bì, lâu ngày gây tổn thương khí huyết, huyết hư phong táo, cơ bì mất dinh dưỡng và bệnh ngày càng nặng hơn.
– Do can thận âm huyết bất túc, hai mạch xung nhâm thiếu dinh dưỡng gây tổn thương dinh huyết
– Do trị bệnh không đúng, lại thêm nhiễm phải độc tà hóa nhiệt hóa táo, táo nhiệt sinh độc, độc đi vào dinh huyết tạo thành chứng khí huyết hư.
Cách chăm sóc da
– Nên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời từ 10-15 phút mỗi ngày vào buổi sáng sớm.
– Cách hỗ trợ làm dịu vẩy nến hiệu quả nhất được nhiều bác sĩ khuyên dùng là ngâm mình (hoặc phần da bị vẩy nến) trong nước ấm từ 10 đến 15 phút, sau đó bôi thuốc dưỡng ẩm, làm mềm da để giúp da mềm và ẩm hơn.
– Người bị vẩy nến tuyệt đối không nên tắm nước nóng.
– Ngoài ra để tránh bệnh phát triển và lan rộng bạn cần tránh để bị côn trùng cắn, không gãi, kỳ cọ, chà xát những vùng da bị tổn thương.
Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt
Ăn uống hỗ trợ trị bệnh: Người bị vảy nến nên thường xuyên ăn cháo Tang thầm, Hồng táo: tang thầm (quả dâu tằm) 30g, Hồng táo 10 quả, Bách hợp 30g, gạo lức 100g. 3 vị trên cho nước ninh kỹ, sau khi bỏ bã cho gạo đã vo sạch vào nấu thành cháo. Ngày dùng 1 liều, ăn liền 1 tuần là một liệu trình, nghỉ 1 tuần, ăn tiếp và cứ ăn như thế đến khi bệnh thuyên giảm. Ngoài ra một số loại như khoai lang, cà rốt, vừng đen, bí xanh, các loại hoa quả… cũng nên xuất hiện trong thực đơn.
Bệnh vảy nến không nguy hại nhưng thường kéo dài và hay tái phát. Cần chú ý ăn uống thanh đạm, ít mỡ, nhiều rau quả, vitamin. Tránh bia rượu, thịt trâu, thịt chó, các thức ăn khó tiêu. Không nên thức đêm, căng thẳng thần kinh. Thường xuyên tham gia các loại hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, tâm thái hòa ái vui vẻ.
Một số bài thuốc dân gian chữa bệnh vảy nến
Thể phong huyết nhiệt:
Bài thuốc 1: Hoa hoè 20g, Sinh địa 20g, Thổ phục linh 16g, Ké dầu ngựa 16g, Hy thiêm 16g, cây cứt lợn 12g, thạch cao 20g, Cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Bài thuốc 2 (Hoè hoa thang gia giảm): Hoè hoa sống 40g, Thăng ma 12g, Sinh địa 40g, Thổ phục linh 40g, Tử thảo 12g, thạch cao 40g, Ké đầu ngựa 20g, Địa phu tử 12g, Chích thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Thể phong huyết táo:
Bài thuốc 1: Hà thủ ô 20g, Đương quy 20g, Khương hoạt 16g, Thổ phục linh 40g, Ké đầu ngựa 16g, Sinh địa 16g, Huyền sâm 12g, Oai linh tiên 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Bài thuốc 2: Huyền sâm, Sinh địa, Kim ngân hoa, Ké đầu ngựa, Hà thủ ô, vừng đen mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Bài thuốc tắm rửa: Hoả tiêu, Phác tiêu, Khô phàn, Dã cúc hoa mỗi thứ 15g. Nấu nước tắm rửa, ngày 1 lần.
Kiên Định t/h