Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, trong năm 2017, ước tính có 116.990 nam giới và 105.510 phụ nữ mắc ung thư phổi. Hiện tại, tỷ lệ mắc đang gia tăng ở phụ nữ trẻ không hút thuốc. Đâu là lý do và làm sao để khắc phục?
Theo các bác sĩ, ung thư phổi là một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu. Trong đó, nhiều phụ nữ không hút thuốc vẫn bị mắc. Điều đáng nói, đa phần các trường hợp này thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Vậy nguyên nhân nào gây ra tình trạng này?
Nguyên nhân khiến phụ nữ mắc ung thư phổi ngày càng nhiều
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh phổi. Tỷ lệ phụ nữ mắc ung thư phổi dù không hút thuốc chiếm khoảng 20%. Nguyên nhân của việc này có thể là do phụ nữ tiếp xúc nhiều với khói thuốc, khói dầu nhà bếp, sống trong môi trường có khí radon (một chất ô nhiễm không khí tự nhiên, thâm nhập vào nhà qua những kẽ nứt và các lỗ nhỏ trong nền đất), gen di truyền, phơi nhiễm môi trường hay một yếu tố nghề nghiệp nào đó.
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy virus u nhú ở người (bệnh sùi mào gà – virus HPV) cũng có thể gây ung thư phổi. Ngoài ra, cơ thể phụ nữ rất nhạy cảm với các chất gây ung thư có trong thuốc lá. Do đó, họ có xu hướng phát triển ung thư phổi chỉ sau vài năm hút thuốc.
Phân loại ung thư phổi
Nếu nam giới thường mắc ung thư phổi tế bào vảy (một dạng của ung thư tế bào nhỏ) thì ở nữ giới mắc loại ung thư phổi phổ biến nhất là ung thư tuyến.
Theo chuyên gia kiểm tra sức khỏe Trần Hoàng Quang, Đài Loan, các triệu chứng giai đoạn đầu của ung thư phổi thường không rõ ràng sau đó xuất hiện ho, hen suyễn, ho ra máu, tức ngực… Ở nữ giới, các tế bào ung thư thường phát triển ở các vùng ngoài của phổi. Những khối u này có thể tăng lên khá nhanh và lây lan trước khi chúng gây nên các triệu chứng trên cơ thể. Các triệu chứng thường gặp là mệt mỏi, khó thở, tức ngực. Nếu ung thư phổi đã di căn đến xương, bạn sẽ cảm thấy đau lưng và ngực. Khi các khối u thường đã chuyển sang ác tính hoặc lan rộng sẽ khó trị liệu được triệt để. Khi bỏ lỡ giai đoạn có thể chữa khỏi, tỉ lệ tử vong sẽ cao.
Ung thư phổi được chia thành ung thư biểu mô loại không tế bào nhỏ và ung thư biểu mô tế bào nhỏ. Trước đây loại thường gặp nhất trong ung thư tuyến, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào lớn. Theo cơ quan y tế quốc gia Đài Loan, ung thư tuyến phổi chiếm số lượng cao nhất, đặc biệt là ở phụ nữ và người không hút thuốc. Trung bình cứ 100 phụ nữ bị ung thư phổi có 86 người bị ung thư tuyến.
Những thực phẩm tăng cường chức năng phổi
Theo chuyên gia dinh dưỡng La Tâm Dư của Trung tâm kiểm tra sức khỏe Quốc Thái Đài Loan, có thể cải thiện chức năng phổi thông qua chế độ ăn uống hằng ngày. Bà đề nghị, nên uống nhiều nước trái cây và ép rau củ giàu vitamin A hằng ngày để hỗ trợ bảo vệ sự toàn vẹn của các tế bào biểu mô và sửa chữa niêm mạc phổi bị tổn thương. Vitamin C, E và Omega-3 có chức năng chống oxy hóa, giúp cơ thể chống lại sự tấn công của gốc tự do và tăng cường hệ miễn dịch.
1. Các thực phẩm giàu vitamin A
Các thực phẩm giàu vitamin A bao gồm rau khoai lang, cải bó xôi, cà rốt, ớt ngọt, bí đỏ, ngô, đu đủ…
2. Các thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C giúp phổi đưa oxy đến toàn bộ cơ thể một cách hiệu quả. Những thực phẩm chứa nhiều vitamin C và là lựa chọn phổ biến cho phổi là: Kiwi; ớt chuông xanh và đỏ; các loại quả có tép như cam, chanh, bưởi; nước ép rau củ, cà chua, dâu, bông cải xanh, dứa, xoài, dưa hấu.
3. Các thực phẩm giàu vitamin E
Các loại rau có màu xanh đậm là nguồn vitamin E phong phú nhất. Ngoài ra, các loại dầu thực vật, các loại đậu, quả hạch, ngũ cốc đều có hàm lượng vitamin E cao. Carotenoid là một chất chống oxy hóa đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ ung thư phổi và cũng là siêu thực phẩm có lợi cho bệnh nhân hen suyễn. Carotenoid được tìm thấy trong một số loại trái cây và rau quả như cà rốt, khoai lang, rau lá xanh đậm, cà chua…
4. Thực phẩm giàu omega -3
Omega-3 rất quan trọng với sức khỏe, có tác dụng tốt đối với bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, cơ thể không thể tự sản xuất được loại axit béo này, bắt buộc phải bổ sung từ chế độ ăn uống bởi các loại thực phẩm. Những thực phẩm giàu omega-3 gồm các loài cá nước lạnh (cá hồi, cá trích, cá mòi…), các loại rau có màu xanh đậm (rau cải, cải xoăn, rau chân vịt, cải xoong…), hạt lanh, quả óc chó, dầu hạt cải, dầu đậu nành…
5. Thực phẩm chứa Folate (hay axit folic)
Đây là một dạng vitamin hỗn hợp nhóm B hòa tan trong nước. Folate có nhiều trong các loại thịt đỏ, lòng đỏ trứng và rau có màu xanh đậm (rau muống, rau bó xôi, súp lơ, bông cải xanh…), các loại ngũ cốc và đậu (đậu đũa, đậu xanh, đậu tương, đậu Hà Lan…). Loại vitamin này không những rất cần thiết cho quá trình tạo và duy trì tăng trưởng của mọi tế bào mà còn rất cần thiết để tạo DNA và RNA (các khối xây dựng của tế bào) và ngăn ngừa những thay đổi DNA có thể dẫn đến ung thư, có tác dụng tốt trong việc chống lại quá trình gây ung thư phổi và ngăn ngừa các bệnh về ung thư.
6. Thực phẩm giàu Magie
Đây là khoáng chất thường được đề nghị cho những người bị hen suyễn, giúp tăng dung tích phổi và tăng hiệu quả của quá trình hô hấp. Cách dễ dàng để hấp thu khoáng chất này là ăn các loại hạt khô hoặc đậu.
Kiên Định
Nguồn tham khảo: Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung