Ít người để ý rằng không khí thậm chí còn quan trọng hơn thức ăn. Chúng ta có thể nhịn đói đến 3 tuần nhưng không thể nhịn thở được quá vài chục phút, bởi vậy lẽ tự nhiên nếu không khí bị ô nhiễm, sức khỏe con người sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng tựa như thực phẩm bị nhiễm độc vậy.
Tình trạng ô nhiễm không khí trên tinh cầu xanh của chúng ta đang ở mức báo động. Ước tính có đến hơn 90% dân số thế giới sinh sống tại những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí nguy hiểm.
Có thể nói, không khí bạn đang hít thở hàng ngày tại những nơi ô nhiễm nguy hại chẳng kém thuốc lá. Trong năm 2016, ước tính ô nhiễm không khí có liên quan với cái chết của 6,1 triệu người.
Ở Việt Nam, nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy có đến 98% dân số đang bị phơi nhiễm với nồng độ bụi PM2.5 (bụi mịn) cao hơn mức khuyến cáo của WHO.
Không khí ô nhiễm tàn phá cơ thể từ khi chưa biết… thở
Khi còn chưa sinh ra, thai nhi đã chịu ảnh hưởng từ không khí ô nhiễm. Khi hít thở không khí ô nhiễm, các chất độc hại (đặc biệt là bụi mịn) trong không khí sẽ gây tổn thương phổi và “lẻn” vào dòng máu, gây phản ứng viêm khắp trên cơ thể, từ phổi, tim, mạch, não và cả ở tử cung. Bởi vậy làm tăng nguy cơ sảy thai, đẻ non.
Đối với trẻ nhỏ, ô nhiễm không khí có liên quan với bệnh hen và tự kỷ, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ. Viêm phổi, căn bệnh khiến gần 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong hàng năm, cũng có liên quan với ô nhiễm không khí.
Ở người lớn, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc hen, COPD và ung thư phổi. Đây là điều dễ hiểu vì hệ hô hấp là nơi tiếp nhận không khí đầu tiên. Không khí ô nhiễm còn kích thích niêm mạc hô hấp, gây ho, ngạt mũi, chảy nước mũi.
Tim mạch và não bộ cũng là các nạn nhân của ô nhiễm không khí. Những người sống trong vùng ô nhiễm dễ bị đau tim và đột quỵ. Bên cạnh ô nhiễm không khí có liên quan đến các bệnh suy giảm nhận thức như bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson và tâm thần phân liệt.
Chất lượng không khí cần được quan tâm như thực phẩm
Hiện nay vấn đề thực phẩm bẩn, thực phẩm ô nhiễm đang rất nổi cộm và là chủ đề nóng được quan tâm trong xã hội. Bên cạnh đó chất lượng không khí hiện tại đang ngày càng xuống thấp và có ảnh hưởng không hề nhỏ đến sức khỏe con người. Bởi vậy mọi người không nên coi nhẹ vấn nạn ô nhiễm không khí.
Theo các chuyên gia thì vấn đề căn bản nhất vẫn là kiểm soát tốt các nguồn gây ô nhiễm để cải thiện chất lượng không khí, điều này cần sự chung tay của tất cả mọi người; lắp đặt các trạm quan trắc không khí tự động để tăng cường các dữ liệu, khuyến khích công bố các dữ liệu liên quan đến chất lượng không khí; trang bị kiến thức cho người dân về ô nhiễm không khí…
Trong khi chất lượng chưa được cải thiện, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên kiểm tra chỉ số chất lượng không khí ngoài trời trước khi ra ngoài. Hiện nay đã có một số website cho phép bạn kiểm tra chất lượng không khí như aqi.org, moitruongthudo.com, cem.gov.vn… hoặc bạn có thể kiểm tra trên ứng dụng di động như AirVisual App.
- Chỉ số AQI từ 101- 200 là chất lượng không khí kém, không tốt cho sức khỏe đối với các nhóm nhạy cảm như bệnh nhân về hô hấp, tim mạch.
- Chỉ số AQI từ 201-300 tương đương mức xấu, những người mắc bệnh về tim, hô hấp nên ở trong nhà, những người khỏe mạnh cũng nên tránh ra ngoài.
- AQI hơn 300 thì chất lượng ở mức nguy hại. Ở mức này, mọi người được khuyến cáo nên ở trong nhà.
Ngoài ra, mọi người nên hạn chế đến những nơi có nồng độ ô nhiễm cao, đeo khẩu trang có khả năng ngăn ngừa hiệu quả bụi PM 2.5 và các chất ô nhiễm. Bạn cần nhớ rằng, các loại khẩu trang thông thường tác dụng khá hạn chế vì chỉ giữ lại được những hạt bụi lớn. Với các hạt bụi mịn và và các chất ô nhiễm vốn là tác nhân gây viêm và các bệnh tim, phổi v.v. thì phải là khẩu trang có lớp lọc tiêu chuẩn N95 hoặc cao hơn như N99, N100 mới có thể ngăn cản được.
Bên cạnh đó, hãy thường xuyên ăn các thực phẩm bổ phổi để chống lại ảnh hưởng của ô nhiễm không khí. Theo Đông Y, phổi không tốt thì nên ăn thực phẩm màu trắng: trái cây, rau màu trắng. Có thể kể đến như nước cơm đặc, nấm tuyết, củ sen, đường phèn chưng lê.
Ngoài ra một số huyệt như Thái Uyên, Xích Trạch bấm thường xuyên cũng có tác dụng dưỡng phổi.
Đại Hải