Dây đòn gánh là vị thuốc Nam được sử dụng rộng rãi trong Y học cổ truyền, là thuốc có vị chua, se, tính mát, có công dụng lương huyết giải độc, thư cân hoạt lạc…. Dùng để điều trị các vế sưng, đau, tụ máu do chấn thương.
Dây đòn gánh còn gọi là Dây đòn kẻ trộm, Dây gân, Dây con kiến, Dây râu rồng, Đơn tai mèo, Hạ quả đằng, người Mường gọi là Seng thanh. Tên khoa học là Gouania leptostachya DC. Thuộc họ Táo ta Rhamnaceae.
Dây leo hoặc mọc tựa. Lá dài, rộng, hình bầu dục, phía cuống hơi hình tim, đầu nhọn, mép có răng cưa. Cụm hoa tận cùng hay ở nách lá, thường họp thành chùy, có móc ở gốc cuống. Hoa họp từ 4-7 trên một trục ngắn ở nách lá. Quả khô dài, khi chín tách thành ba quả mang cánh, hai đầu có đài tồn tại. Cây có hai thứ nữa.
Thứ macrocarpa Pitard, có quả to, dài 10-12mm, rộng 13-15mm, đen nhạt có cánh dày. Mùa quả: tháng 12.
Thứ tonkinensis Pitard, có lá răng cưa nhỏ, lá kèm hình lá rất rộng, ôm lấy thân ở phía dưới, tồn tại. Hoa dưới của hoa tự đinh trên những trục khá dài và kèm theo lá bắc, quả nâu vàng nhạt. Cây thường dùng để:
Giảm sốt do viêm họng cảm cúm
Lấy 16g lá dây đòn gánh giã đắp vào trán, gan bàn tay để giảm sốt rất hiệu quả.
Chữa sưng tấy, tụ máu, đau nhức do chấn thương
Dùng thân và lá dây đòn gánh ngâm rượu uống. Hoặc dùng 40g thân và lá dây đòn gánh, sắc lấy nước, rồi chế thêm rượu vào uống.
Chữa cảm gió
Ngày dùng 8-16g dây đòn gánh sắc với 2 bát nước còn nửa bát, uống sau bữa ăn trưa. Uống trong hai ngày, kết hợp với ăn cháo giải cảm.
Chữa bỏng nước sôi (thể nhẹ)
Dùng lá và thân dây đòn gánh giã nát thêm chút nước sôi để nguội vào ngâm, chiết lấy dịch bôi vào vết bỏng liên tục giúp làm mát, giảm đau vùng thương tổn.
Kết hợp với dùng ngoài
Thân lá dây đòn gánh giã nhuyễn, chế thêm rượu hay giấm, xoa bóp, đắp chỗ sưng đau. Một số người còn thêm lá náng hoa trắng, lá bạc thau, cùng giã nát, thêm ít rượu, đắp, bó chỗ bị thương.
Lưu ý: Phụ nữ có thai không dùng cây này.
Hạ Mai