Đại Kỷ Nguyên

Đẩy lùi bệnh trĩ, mụn nhọt bằng rau mồng tơi

Rau mồng tơi là món ăn mát lành, được dân gian ưa chuộng vào mùa hè. Theo Đông y, rau mồng tơi có tính hàn, vị chua, tản nhiệt, mất máu, lợi tiểu, giải độc, đẹp da, trị rôm sảy mụn nhọt…

Trị vết thương, đau nhức xương khớp

Nước rau mùng tơi có thể làm mau lành vết bỏng. Nấu mồng tơi với chân giò thêm chút rượu ăn hàng ngày, đẩy lùi đau nhức xương khớp.

Chữa bệnh trĩ

Lấy một nắm lá mồng tơi rửa sạch, giã nát cùng vài hạt muối đắp vào chỗ trĩ sưng. Đồng thời, nấu canh mồng tơi ăn với cá diếc (ăn cả nước và cái) rất hiệu nghiệm.

Điều trị mụn nhọt

Nguyên liệu: Rau mồng tơi, rau diếp cá và muối trắng.

Cách làm: Sử dụng lá mồng tơi và lá diếp cá theo tỷ lệ 1:1 rồi giã nát. Lưu ý nên sử dụng luôn sau khi hái ngoài vườn. Sau khi hỗn hợp được giã nát, cho thêm muối trắng vào trộn cùng.

Mọi người nên sử dụng cả nước lẫn bã rau để đắp vào vết mụn nhọt ở lưng, vai… Sử dụng hằng ngày để đẩy lùi mụn nhọt, rôm sảy.

Say nắng

Giã lá mồng tơi rồi đắp vào trán sẽ giúp giảm nhiệt, người bị say nắng sẽ nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Lưu ý

Mồng tơi có nhiều chất dinh dưỡng, tuy nhiên nếu lạm dụng có thể gây hại cho sức khỏe.

– Hấp thu kém: Ăn quá nhiều rau mồng tơi khiến cơ thể hấp thụ kém vì chứa một hàm lượng axit oxalic cao. Đây là một loại chất hóa học có khả năng liên kết với canxi, sắt, khiến cơ thể khó hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng khác.

– Sỏi thận: Vì chứa lượng axit oxalic, purin cao nên ăn nhiều rau mồng tơi chuyển hóa thành axit uric, sẽ tăng nồng độ canxi oxalate trong nước tiểu, tích tụ trong cơ thể dễ gây bệnh gút, sỏi thận .

– Gây vàng, ố răng: Chất nhầy ở rau mồng tơi khi ăn quá nhiều sẽ hình thành mảng bám, cáu lại ở răng vì không hòa tan được trong nước. Từ đó, răng bạn sẽ bị đen, vàng.

– Gây khó chịu trong dạ dày: Mồng tơi có hàm lượng chất xơ cao. Lượng chất xơ quá lớn sẽ làm chậm quá trình chuyển hóa trong cơ thể dẫn đến khó tiêu, đầy hơi, chuột rút.

– Rau mồng tơi có tính hàn, lạnh nên những người bị lạnh bụng, đi ngoài phải cẩn thận. Để giảm tính hàn nên nấu mồng tơi thật kỹ hoặc nấu mồng tơi với các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Phương Nam

Exit mobile version