Theo Đông y, hạt kê có vị ngọt, tính hơi hàn giúp bổ thận, khỏe tì vị trừ nhiệt, giải độc, lợi tiểu tiện, ngừa đái tháo đường, tiêu chảy, chữa bệnh dạ dày…
Kê còn có tên tiểu mễ, cốc nha, là một món ăn trong 10 sở thích của người sống trường thọ. Không chỉ sử dụng làm thực phẩm, vì giàu dược tính nên hạt kê được sử dụng trong trị liệu nhiều bệnh.
Hạt kê chứa hydrat carbon, protein, lipid, Ca, P, Fe, các loại đường, sinh tố nhóm B… có vị ngọt mặn, tính mát tốt cho tỳ, vị, thận. Kê có tác dụng kiện tỳ hòa vị, bổ thận thanh nhiệt, ngừa đái tháo đường, tiêu chảy, sỏi thận và tiêu chảy…
Kê còn là lương thực tốt cho người đau dạ dày và mắc chứng khó tiêu, miệng hôi, tỳ vị hư nhược. Bên cạnh đó, kê còn là món ăn tốt cho người bị thấp khớp, làm dịu cơn đau do sinh đẻ.
Theo y học hiện đại, hạt kê chứa rất nhiều melatonin, chất có tác dụng trấn tĩnh tinh thần và gây buồn ngủ, vì thế cháo kê là một món ăn rất bổ dưỡng giúp có được một giấc ngủ ngon.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ hạt kê:
Cầm đi lị: Kê để lâu năm đun với nước để uống. Dùng trong 3-5 ngày.
Trẻ nhỏ bị cam tích, tiêu hóa kém: Kê 100g, khoai mài lượng vừa đủ, đun thành cháo ăn. Cho trẻ ăn sáng, tối, liên tục trong 10 ngày.
Trị chứng mồ hôi trộm, xương nóng: Kê dẻo lượng vừa đủ, đun cháo ăn. Dùng trong 5 ngày.
Tì vị hư yếu, tiêu hóa kém, đau bụng nôn mửa: Bột kê 150-200g hòa với nước, viên lại thành viên. Mỗi lần ăn 30-50 viên, chưng chín xong cho thêm ít muối, ăn không hoặc ăn với canh.
Phụ nữ trong thời kỳ mang thai bị khí hư quá nhiều: Dùng kê 50g, hoàng kỳ 50g, cho vào nồi đổ đủ nước nấu thành cháo ăn. Ngày ăn 1 lần và dùng liên tiếp nhiều ngày..
Tiêu hóa kém làm cho mất ngủ: Kê 25g, bán hạ đã chế biến 10g, sắc để uống.
Miệng khô, dạ dày nóng, tiểu tiện khô: Kê để lâu năm đun thành cháo mà ăn.
Một số món ăn chế biến từ hạt kê
Cháo gà nấu kê: Vo hạt kê và ngâm trong khoảng 1 giờ rồi vớt ra để ráo. Gà làm sạch chặt làm bốn miếng luộc với nước dùng hay nước dừa non. Khi gà chín vớt ra để ráo và xé thịt gà ra. Sau đó bỏ hạt kê đã ngâm vào nồi nước luộc gà nhớ đun nhỏ lửa và thường xuyên khuấy đều. Khi cháo chín nêm nếm gia vị và múc cháo ra bát, rắc thịt gà xé và thêm hành mùi xắt nhỏ. Dọn kèm tiêu muối hoặc nước mắm nguyên chất, chanh ớt… Đây là một món ăn bổ dưỡng rất thích hợp với người gầy yếu, sản phụ sau sinh thiếu sữa, trẻ em kém ngủ, tiêu hóa kém.
Cháo kê, khoai lang: kê 50g, khoai lang 60g. Khoai lang gọt vỏ thái lát; kê xay bỏ vỏ; nấu cháo. Ăn bữa sáng. Món này thích hợp cho người đái tháo đường tỳ vị hư nhược.
Cháo kê: kê 200g, bột mỳ 100g, trộn đều, nấu cháo. Ăn khi đói, ngày 2 lần. Món này tốt cho người cao tuổi, tỳ vị hư nhược, ăn không tiêu, người gầy, sút cân, phiền khát.
Cháo kê trúc diệp: kê 200g, đạm trúc diệp 40-60g thái nhỏ, nấu lấy nước bỏ bã. Kê nấu với nước đạm trúc diệp thành cháo. Món này tốt cho người say nóng, cảm nắng, hồi hộp kích ứng, tim đập mạnh, giật tay chân.
Cơm kê: kê được đồ hoặc nấu thành dạng cơm xôi, ăn hàng ngày, thích hợp cho người đái tháo đường.
Cháo kê đại táo: kê 200g, đại táo 10-12 quả nấu cháo thêm đường. Món này tốt cho người già, trẻ em rối loạn tiêu hóa, ăn kém, tiêu chảy, mỏi mệt.
Xôi kê: kê đã xát vỏ (lật mễ) 250g, nấu xôi kê hoặc cơm nếp. Món này tốt cho người suy nhược cơ thể, phụ nữ sau đẻ, bệnh mạn tính dài ngày, lao phổi, trẻ em suy dinh dưỡng.
Chè kê: kê 100-150g, đường phèn vừa đủ (50g). Kê xát vỏ, nấu cháo chín cho đường vào, đánh tan, đun sôi là được. Món này tốt cho người lao động hay phòng dục quá độ gây nên người hâm hấp nóng, ho, ra mồ hôi trộm, mất ngủ.
Cháo kê hà thủ ô: kê 50g, hà thủ ô 30g, trứng gà 2 quả. Kê nấu với hà thủ ô thành cháo, cháo được gắp bỏ bã thuốc, đập vào 2 cái trứng gà, cho thêm chút đường trắng khuấy đều, cho sôi là được. Cho ăn khi đói. Dùng cho người bị thoát vị, sa tử cung, sa dạ dày trực tràng.
Lưu ý: Không ăn kèm hạt kê với hạnh nhân để tránh gây nôn ói, tiêu chảy.
Phương Nam