Chiều ngày 9 tháng 7, một bệnh nhân hôn mê sau khi chuyển tới Bệnh Viện Chợ Rẫy đã tử vong sau 4 giờ nằm tại khoa cấp cứu. Lãnh đạo bệnh viện đã đình chỉ công tác trưởng tua trực và bác sĩ tiếp nhận ca đó sau khi người nhà bệnh nhân phản ánh đường dây nóng.
Được biết bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, sau khi được truyền dịch đã tỉnh táo, tuy nhiên sau đó bệnh diễn tiến nhanh, người nhà không được vào nuôi bệnh, đã bức xúc cho rằng nhân viên y tế tắc trách. Tuy nhiên với một nơi có mật độ bệnh đông, nhân lực mỏng và tình hình trị an phức tạp như vậy, tôi không nghĩ nên trách lỗi nhân viên y tế.
Theo tôi được biết, khoa cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy là nơi tấp nập, ngột ngạt và mệt mỏi nhất. Tôi từng có việc phải khoác áo blouse đi nhờ người quen thì không ai rãnh để tiếp chuyện tôi. Bác sĩ lo viết hồ sơ, chạy lăng xăng đi khám bệnh, điều dưỡng dập dìu đi làm y lệnh thuốc, lấy kết quả xét nghiệm, v.v
Cô bác sĩ trẻ mà tôi nhờ tỏ vẻ khó chịu, mệt mỏi: “Tôi không cần biết anh là ai, không có nhờ vả gì hết”. Một chị bác sĩ từng làm 20 năm còn nói với tôi: “Chị xuống khoa cấp cứu nhờ cho người nhà yên tâm thôi chứ chị biết không có tác dụng gì, dưới đó ai cũng căng thẳng”.
Vì bệnh nhân đã tỉnh, nên có thể bác sĩ không đặt nặng vấn cấp cứu hàng đầu mà chuyển sang các ca khác nặng hơn. Hồi năm tư đại học tôi bị đau ruột thừa, bạn tôi nói hãy qua Bệnh viện Bình Dân mổ, còn Chợ Rẫy chưa chắc được mổ liền. Cũng hôm đó một người bạn tôi bị đau ruột thừa nhưng phải nằm đau đớn ở BV Chợ Rẫy tới sáng hôm sau mới được mổ, còn tôi may mắn qua Bình Dân nên được mổ ngay trong đêm.
Còn nhớ tháng 6/2015, một công an đã bị đâm chết ngay trước bệnh viện Chợ Rẫy, một nơi nhốn nháo như vậy, liệu có thể tuỳ tiện cho người nhà ra vào hay không? Bệnh nhân nào mà ổn, thì có khi 3 người ngồi trên cùng một băng ca chờ đợi. Chợ Rẫy bệnh nhân nằm tràn 4 – 5 hàng băng ca, điều dưỡng muốn đi còn phải luồn lách cực nhọc, sao có thể để người nhà ra vào tuỳ tiện được?
Chợ Rẫy – một nơi mà tiếng loa phát thanh, tiếng điều dưỡng hô gọi tên, tiếng bác sĩ hỏi bệnh, trao đổi với điều dưỡng, tiếng quạt kêu ù ù, tiếng bước chân lạch bạch, tiếng máy theo dõi nhịp tim kêu bíp bíp, nói chung là một nơi ồn ào náo nhiệt, thì nếu bệnh nhân có hôn mê lịm đi, rên khe khẽ, không ai biết, lại là chuyện bình thường. Đau lòng lắm, nhưng sự thực là như vậy!
Khoa cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy cũng là khoa ít bác sĩ chịu ở lại bám trụ nên thường xuyên có thất thoát về nhân lực. Thường bệnh viện sẽ cử các bác sĩ mới từ các khoa ra tăng cường. Vì họ ở các chuyên khoa khác nhau, nên khi tiếp nhận một bệnh nhân không phải chuyên khoa của mình, họ sẽ không kịp thời đưa ra y lệnh phù hợp. Như vậy nếu trách tội họ, liệu có đúng?
Trước đây tôi từng thấy nhiều bệnh viện kỷ luật bác sĩ vì lỗi của họ, tôi không có ý kiến, nhưng nếu kỷ luật bác sĩ tại khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy vì họ không cứu kịp bệnh nhân, tôi thấy thật bất nhẫn. Có phải Ban giám đốc chỉ thí nhân viên của mình để yên lòng dư luận, mà không nghĩ tới tình cảnh nhân viên của mình phải làm việc luôn tay, vắt kiệt sức lực và trí tuệ để cứu sống hàng trăm người chỉ trong một tua trực. Nếu đảm bảo cho họ có thời gian nghỉ ngơi và số lượng bệnh nhân hợp lý, thì sự cố như vậy xảy ra hãy trách họ không kịp thời. Nếu ban lãnh đạo hành xử không đúng, tôi tin sắp tới sẽ có một loạt nhân viên ở khoa sẽ nghỉ việc, vì họ lo sợ việc tương tự sẽ xảy đến với mình.
Nếu người dân có thể tin tưởng tuyến dưới, không chạy dồn lên Chợ Rẫy, nếu có nhiều bệnh viện hơn, nếu tuyến dưới chăm lo đời sống cho y bác sĩ tốt hơn để không thất thoát người tài, nếu… thì sẽ không có trường hợp đáng tiếc như vậy xảy ra nữa… Nhưng đó chỉ là nếu, và tôi tin trong tương lai gần, sẽ còn xảy ra nhiều trường hợp như vậy nữa, quan trọng là người nhà và xã hội có hiểu được nỗi cơ cực này hay không, các ban ngành có hiểu được nguyên nhân sâu xa để cải thiện hay không, hay chỉ đổ hết mọi tội lỗi lên người thầy thuốc vô tội?
Bài viết của BS.Lê Chí Công
Quan điểm của tác giả không nhất thiết là quan điểm của báo Đại Kỷ Nguyên.