Đại Kỷ Nguyên

Đề phòng méo miệng, liệt mặt cho trẻ trong những ngày rét đậm

Miền Bắc tiếp tục chuẩn bị đợt mưa, rét đậm, rét hại với nền nhiệt rất thấp, có nơi 8 độ C. Bậc phụ huynh cần hết sức chú ý để bảo vệ trẻ khỏi nhiễm lạnh, và đặc biệt chú ý bệnh méo miệng, liệt mặt do tổn thương dây thần kinh số 7 do nhiệt độ giảm sâu gây nên.

Miền Bắc vừa mới trải qua đợt không khí lạnh sâu vào hôm 13, nhiệt độ giảm sâu tới 10 độ C. Nhiệt độ giảm quá nhanh khiến không ít trẻ nhỏ phải nhập viện vì liệt mặt, méo miệng do nhiễm lạnh đột ngột. Ghi nhận từ Bệnh viện Châm cứu Trung ương, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng hơn 10 ca bệnh nhi bị liệt mặt, méo miệng vào điều trị.

Vào đầu mùa đông năm ngoái, nền nhiệt miền Bắc cũng giảm sâu vào tầm 10 độ C, có những ngày nhiệt độ giảm xuống dưới 10 độ, nhiệt độ kéo dài khiến số lượng bệnh nhân tăng cao, các bệnh viện cũng liên tục tiếp nhận từ 20 -30 trẻ nhỏ méo miệng, liệt mặt do tổn thương dây thần kinh số 7.

BS Dương Văn Tâm cho biết, bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt già trẻ, nam nữ và thường gặp nhiều ở mùa lạnh, hoặc khi thời tiết giao mùa.

Theo BS Tâm, đa số các bệnh nhân nhập viện đều ở trong tình trạng mắt mở không nhắm được (trợn ngược), hoặc mắt nhắm mắt mở, mồm bị méo, ăn uống rơi vãi, miệng không huýt sáo, thổi lửa được… Một số trường hợp nhẹ còn không biết mình mắc bệnh, chỉ khi cười và nói chuyện mới phát hiện mình bị méo mồm và đến viện khám.

Tuy đây là căn bệnh lành tính, nhưng liệt dây thần kinh số 7 cũng để lại di chứng nặng nề nếu không được cứu chữa kịp thời. Biến chứng nặng nhất là loét giác mạc, thậm chí dẫn đến mù mắt.

Khi người bệnh được chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, về Tây y sẽ được điều trị bằng cách dùng kháng sinh để chống viêm và phù nề. Còn Đông y sẽ kết hợp các phương pháp: Điện châm, thuỷ châm, cấy chỉ catgut vào huyệt, xoa bóp bấm huyệt, chiếu đèn hồng ngoại nhằm làm ôn ấm các huyệt ở mặt.

Cùng với các phương pháp trên, người bệnh có thể kết hợp tự tập cơ mặt của mình bằng cách: Tập há mồm, nhai kẹo cao su, giữ ấm cơ thể…

Để phòng bệnh cho trẻ

Trong khi thời tiết vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, dự báo rét đậm, rét hại còn kéo dài thêm vài ngày nữa, vì vậy để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh, bác sĩ Tuyên khuyến cáo, phụ huynh nên giữ ấm cho trẻ khi thời tiết lạnh sâu, thay đổi đột ngột, đêm ngủ đắp chăn ấm để tránh bị nhiễm lạnh.

Khi cho trẻ chơi, nên chọn nơi không có gió lùa, nhiệt độ luôn đảm bảo. Đặc biệt, cần cho trẻ ăn uống đủ chất, đủ năng lượng để chống đỡ với trời lạnh.

Khi ra đường, hay đến nơi công cộng phải đeo khẩu trang để tránh bị lây nhiễm các bệnh do virut. Tuyệt đối không tắm khuya…

Minh Nguyên

Exit mobile version