Hỏi: Tôi thường xuyên nghe nói đến axit béo omega-3, thực phẩm bổ sung DHA, giàu DHA… nhưng không rõ chúng là gì? Có tác dụng như thế nào và có thể tìm thấy ở đâu? (Vĩnh Thụy, Thái Bình)
Trả lời: DHA là tên viết tắt của Docosahexaenoic acid, một axit béo rất quan trong cho cơ thể và thuộc nhóm các axit béo omega-3.
Axit béo thông thường được cấu tạo từ 3 nguyên tố carbon (C), hydro (H) và oxy (O). Các phân tử cacbon nối lại với nhau thành một chuỗi mạch dài qua các nối đơn hoặc nối đối, giống như trái cầu nọ nối với trái cầu kia bằng một cái gạch (nối đơn) hoặc hai gạch (nối đôi), có nhóm axit –COOH ở một đầu và nhóm metyl –CH3 ở đầu kia. Vị trí carbon đầu tiên này (nhóm -CH3) được quy định là omega, do đó axit béo omega-3 là dùng để chỉ các axit béo có chứa nối đôi tại vị trí carbon thứ 3, tính từ vị trí omega.
Các loại axit beo omega-3 thường gặp là DHA, EPA và ALA.
Tại sao DHA lại quan trọng đến thế?
Thiếu hụt DHA tác động trực tiếp đến độ thông minh, khả năng đọc, ghi nhớ và các hành vi.
DHA có vai trò rất quan trọng cho các cấu trúc và hoạt động của cơ thể. Rất nhiều nghiên cứu đã xác nhận lợi ích của DHA ở các lứa tuổi khác nhau, từ trẻ em cho đến người lớn. Có đến 60% não là được làm từ chất béo, trong đó khoảng ¼ số này là DHA. Đồng thời, DHA chiếm đến 93% lượng axit béo omega-3 trong võng mạc, là thành phần quan trọng đảm bảo cho hệ tim mạch hoạt động tốt.
DHA giúp giảm lượng triglycerid máu, giảm loạn nhịp tim, làm giảm tỷ lệ bệnh động mạch vành, giảm chứng nhồi máu cơ tim.
Ở trẻ em, DHA rất quan trọng cho sự phát triển não, hệ thần kinh và võng mạc. Thiếu hụt DHA tác động trực tiếp đến độ thông minh, khả năng đọc, ghi nhớ và các hành vi. Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữa mang thai và cho con bú nên bổ sung thêm 100-200 mg DHA mỗi ngày ngoài nhu cầu 250mg axit béo omega-3 cho người lớn.
Thực phẩm nào có chứa DHA?
Cơ thể không tổng hợp được DHA nên cần bổ sung qua các nguồn dinh dưỡng từ bên ngoài.
- Một số loại tảo là nguồn DHA tự nhiên. Nhiều người tin rằng cá tự sản xuất được DHA nhưng thực ra là do chúng ăn tảo mà tích lũy được loại axit béo này.
- Mỡ của cá hồi, cá trích, cá thu cũng chứa nhiều DHA.
- Gan động vật
- Dầu cá
- Một lượng nhỏ DHA có thể tìm thấy trong thịt gà và lòng đỏ trứng
Nhiều người hiểu lầm rằng một số thực phẩm như hạt lanh có thể cung cấp DHA nhưng thực ra nó chỉ là nguồn của một số axit béo omega, trong đó có ALA là nguyên liệu để cơ thể tổng hợp lên DHA tuy nhiên quá trình tổng hợp này ít hiệu quả và không ổn định.
Do vậy để cơ thể khỏe mạnh, đặc biệt là cho sự phát triển của trẻ, việc đảm bảo cung cấp DHA qua chế độ dinh dưỡng rất quan trọng. Có thể ăn nhiều cá biển hơn, uống viên tảo… Dầu gan cá cũng là nguồn DHA tốt, tuy nhiên chúng có thể chứa nhiều vitamin A và có thể gây ngộ độc cho thai nhi.
Chuyên viên tư vấn dinh dưỡng