Sáng nay (2/7), bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) đã cấp cứu cho bệnh nhân Hà Thị Thu Hiền (59 tuổi) trong tình trạng chảy máu não, hôn mê sâu…
Theo Zing, bệnh nhân Hiền có tiền sử huyết áp hơn 10 năm. Gần 6h sáng ngày 2/7, bệnh nhân này vừa đi bộ ra khỏi nhà thì bị ngã và được đưa vào viện cấp cứu.
Bác sĩ Chuyên khoa II, Phạm Thị Trà Giang, Trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, đây là ca bệnh nặng trong buổi sáng nay, tiên lượng rất xấu. Bệnh nhân bị chảy máu não dẫn đến hôn mê sâu.
Ê-kíp của bệnh viện đã phẫu thuật cấp cứu để hút máu tụ trong não, giảm ép não làm phình não. Tuy nhiên, mổ giải ép máu não là một quá trình điều trị, theo dõi lâu dài.
Thời gian gần đây, bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận 5-6 ca tai biến mạch máu não mỗi ngày. Ngoài ra, theo thống kê tại bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày khoa cấp cứu, tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân đột quỵ.
Bác sĩ Giang khuyến cáo, khi nắng nóng bất thường, đặc biệt người cao tuổi, có tiền sử huyết áp cần thận trọng khi ra ngoài. Nếu ngồi trong điều hòa quá lạnh, bệnh nhân sẽ dễ bị sốc nhiệt khi tiếp xúc với không khí ngoài trời.
Để phòng chống tai biến, đột quỵ mùa nóng, người bệnh phải dùng thuốc kiểm soát định kỳ, theo đúng liệu trình thuốc bác sĩ đã kê đơn. Kiểm tra huyết áp 2 lần/ngày. Nếu thấy huyết áp cao bất thường, người bệnh phải đến gặp bác sĩ kiểm tra ngay.
Biện pháp phòng chống đột quỵ trong những ngày nắng nóng:
– Kiểm soát cân nặng nhờ chế độ ăn và luyện tập sẽ giúp trái tim khỏe mạnh.
– Hít thở sâu và thư giãn: Nhịp tim nhanh dễ gây ra đánh trống ngực, giật mình và hồi hộp hơn. Do vậy, nên ngồi thư giãn, tập hít thở thường xuyên để giảm chứng hồi hộp và hạ thấp nhịp tim.
– Rửa mặt bằng nước lạnh: Làm giãn mạch máu, gián tiếp giúp máu lưu thông tốt hơn và làm chậm lại nhịp tim. Rửa mặt bằng nước lạnh giúp hoạt động của não bộ trở lại tỉnh táo và bình thường hơn.
– Tập thể dục thường xuyên: Tập luyện thúc đẩy tim co bóp, từ đó làm tăng nhịp tim. Cơ tim cũng như cơ bắp, duy trì tập luyện thường xuyên sẽ khiến cơ bắp khỏe mạnh và có thể làm giảm tình trạng rối loạn.
– Kiểm soát stress: Căng thẳng thần kinh có thể dẫn tới tình trạng tăng huyết áp, nhịp tim đập quá mức cần thiết. Nên học cách hạ thấp nhịp tim thông qua thiền định, yoga và các biện pháp khác giúp cơ thể và trí óc thư giãn.
– Không uống rượu bia, giảm lượng caffein: Bia rượu và cà phê sẽ khiến nhịp tim càng tăng. Nên hạn chế lượng chất kích thích được đưa vào cơ thể.
– Không hút thuốc lá: Thuốc lá có thể làm cho nhịp tim tăng lên. Nhịp tim sẽ trở nên tồi tệ nếu vẫn tiếp tục hút và hít phải khói thuốc lá.
Lan Phương