Nghe mọi người mách làm giác hơi sẽ hết đau mỏi vai gáy. Người phụ nữ 52 tuổi đi giác hơi 2 lần, sau đó có biểu hiện phồng rộp và lở loét, đau đớn.
VTC News đưa tin, ngày 24/10, khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Th. (sinh năm 1967) bị nhiễm trùng loét có nhiều giả mạc, dịch mùi hôi lẫn máu, mủ, bị hoại tử da, viêm tấy lan tỏa vùng lưng do làm giác hơi và chữa bệnh sai phương pháp.
Bà Th. có tiền sử tiểu đường type 2, tăng huyết áp nhiều năm nay và đang điều trị tại bệnh viện khác. Trước khi nhập viện, bà hay bị đau mỏi vai gáy. Nghe mọi người mách làm giác hơi sẽ hết nên bà đi thử. Tuy nhiên, sau 2 lần giác hơi, lưng bà có biểu hiện phồng rộp và lở loét, đau đớn.
Thay vì đến bệnh viện để điều trị, bà tiếp tục nghe theo lời mách của nhiều người, tự ý mua thuốc kháng sinh về uống. Uống thuốc được 1 tuần, thấy bệnh không khỏi, bà mới quyết định tới viện nhờ sự trợ giúp của các bác sĩ.
Kết quả thăm khám, xét nghiệm, bà bị nhiễm trùng, hoại tử nặng vùng lưng. Để điều trị, bà được chỉ định phẫu thuật cắt lọc da căng cơ, khử trùng, làm sạch vùng da bị thương.
Theo Thể Thao Văn Hóa, các bác sĩ phải cắt lọc da vùng tổ chức hoại tử, mủn nát, tháo hút sạch dịch mủ cho bệnh nhân Th. kết hợp điều trị kháng sinh chống viêm, thay băng hàng ngày.
Bác sĩ Đồng Thanh Thiện, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang – người điều trị cho bệnh nhân Th. cho biết, nếu để lâu hơn thì vùng da viêm loét sẽ gây nhiễm trùng rộng và sâu hơn, chảy nhiều mủ làm hoại tử tổ chức da cân cơ, có thể gây viêm nhiễm, hoại tử xương, thậm chí phải cắt một phần xương và nhiễm khuẩn huyết.
Qua trường hợp này, bác sĩ Thiện khuyến cáo, các bệnh nhân không nên tự ý điều trị tại nhà, nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám chữa kịp thời.
“Nếu chủ quan, tự ý điều trị, bệnh sẽ nặng thêm, gây hậu quả rất nặng nề như nhiễm trùng rộng, sâu, chảy nhiều mủ, hoại tử tổ chức da, gân, cơ, dẫn đến viêm nhiễm những tổ chức (màng xương, xương), hoại tử xương thậm chí phải cắt 1 phần xương hay nhiễm khuẩn huyết ảnh hưởng tới tính mạng”, bác sĩ Thiện nhấn mạnh.
Sau điều trị, bệnh nhân được khuyến cáo hạn chế đi lại để tránh nhiễm trùng và ăn theo chế độ dinh dưỡng khoa học, kiêng đồ nếp, thịt gà để tránh sưng tấy.
Theo các bác sĩ, đây không phải lần đầu tiên bệnh viện bệnh nhân tiếp nhận trường hợp bị hoại tử da sau giác hơi. Từ trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, khi cơ thể có vấn đề về xương khớp nên đi khám để có điều trị thích hợp. Phương pháp điều trị dân gian như xoa bóp, cạo gió hay giác hơi… dù khi thực hiện người bệnh có thể cảm thấy dễ chịu hơn nhưng thực tế không mang lại hiệu quả trong việc điều trị đau mỏi vai gáy hay đau của thoái hóa khớp, Người Lao Động thông tin.