Ngón tay sưng đau suốt một tuần dù không bị thương, đi khám một phụ nữ (42 tuổi, California) bất ngờ được các bác sĩ thông báo mắc bệnh lao.
Theo Health, qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện thấy sưng ở mô mềm của ngón tay, nhưng không có vấn đề gì với xương.
Tuy nhiên, sau khi làm sinh thiết, họ tìm thấy Mycobacterium tuberculosis – vi khuẩn gây bệnh lao trong cơ thể bệnh nhân.
Trước đó, nữ bệnh nhân mắc bệnh lupus và đang điều trị bằng thuốc để ức chế hệ thống miễn dịch. Đây chính là lý do đã khiến cô dễ bị mắc căn bệnh truyền nhiễm này hơn.
Sau khi điều tra, các bác sĩ kết luận, cô bị lây bệnh từ người chồng mắc bệnh lao. Nhờ phát hiện và chẩn đoán sớm, cô đã hoàn toàn hồi phục sau 9 tháng điều trị.
Các bác sĩ khuyến cáo, vi khuẩn lao lan truyền trong không khí, có thể tồn tại trong cơ thể mà không có biểu hiện bệnh nào trong nhiều năm.
Ngoài phổi, vi khuẩn lao cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như thận, cột sống, não… Mặc dù hiếm khi bệnh lao phát triển ở mô mềm, đây vẫn là triệu chứng cần chú ý nếu bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu.
Các triệu chứng khác của bệnh bao gồm ho ra máu, đau ngực, sụt cân, mệt mỏi, sốt, đổ mồ hôi, ớn lạnh và chán ăn… Những người có hệ miễn dịch yếu dễ mắc bệnh lao. Ngoài ra, những người bị tiểu đường, bệnh thận, HIV/AIDS và ung thư cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này.
Do đó, nếu có những triệu chứng bất thường, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.
Theo Health
(Tổng hợp)